(Báo Quảng Ngãi)- Qua 2 năm triển khai thực hiện Kết luận 31 của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực...
Theo đánh giá của tỉnh, giá trị sản xuất bình quân ở các huyện miền núi tăng 9,3%/năm; văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ... có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016 - 2017 giảm gần 5%, đưa hộ nghèo ở khu vực này xuống còn 37%.
Nhờ trồng quế, nhiều gia đình ở huyện Tây Trà đã vươn lên thoát nghèo. |
Trong 2 năm (2016- 2017), các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh đã đầu tư cho 6 huyện miền núi hơn 1.193 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, việc đầu tư và nhân rộng các mô hình sản xuất mới đã góp phẩn thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Như huyện Sơn Tây, thông qua chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, người dân đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế. Nhờ đó, năm 2016 huyện Sơn Tây đã giảm gần 4% hộ nghèo và năm 2017 huyện giảm 5,6%, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 49% vào đầu năm 2018.
Huyện Sơn Hà cũng đã phát huy tối đa các tiềm năng, nguồn lực để đầu tư phát triển các vùng trồng cây chuyên canh, chăn nuôi tập trung và triển khai mô hình nuôi heo bản địa; hỗ trợ, khuyến khích trồng rừng, trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, huyện thực hiện nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ có điều kiện, nhằm tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo. Tổ chức điều tra, phân loại, xác định rõ nguyên nhân nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng... Với những giải pháp đó, trong hai năm qua, huyện Sơn Hà đã có 862 hộ thoát nghèo...
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận 31, mới đây Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các huyện miền núi cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng theo lợi thế từng vùng, khuyến khích nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến; thực hiện trồng cây gỗ lớn, gỗ quý có giá trị kinh tế cao để từng bước thay thế cây keo. Duy trì diện tích trồng và phát triển thương hiệu cây quế ở Trà Bồng, cây chè ở Minh Long, cây cau ở Sơn Tây. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, gắn với các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống.
Cùng với đó, các huyện miền núi cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông gắn với vùng sản xuất của người dân; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng; huy động hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận 31 của Tỉnh ủy.
Bài, ảnh: SÔNG THƯƠNG