(Baoquangngai.vn)- Tại phiên thảo luận ở hội tường chiều ngày 13.6 của Quốc hội về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi tham gia thảo luận, góp ý một số nội dung dự thảo Luật.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Đại biểu Thu Trang đánh giá nội dung dự thảo có nhiều điểm mới thể hiện được tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện " tự diễn biến", " tự chuyển hóa" trong nội bộ… và Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang tham gia thảo luận, góp ý một số nội dung dự thảo Luật |
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu thống nhất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, tuy nhiên cần thực hiện từng bước, trước tiên chỉ quy định áp dụng đối với các tổ chức, đơn vị được nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công, mà không áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, tổ chức kinh tế để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện trong thực tiễn.
Về quy định “Quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” nhằm ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng, đại biểu cho rằng dự thảo quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được “Để anh, em rể, chị, em dâu, anh, chị, em chồng, anh, chị, em vợ” là người quản lý, thành viên hợp danh, thành viên góp vốn hoặc cổ đông có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại doanh nghiệp hoặc có hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của người người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu là quá rộng.
Quy định này nhằm mục đích loại trừ các nguy xảy ra hành vi tham nhũng, tuy nhiên nó ảnh hưởng đến quyền công dân về quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định. Đồng thời cũng đề nghị bổ sung quy định quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các hoạt động động bầu cử, trưng cầu, trưng mua, trưng dụng… để ngăn chặn các hành vi tham nhũng có thể xảy ra.
Về quy định cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, đại biểu đề nghị không giao toàn bộ cho Thanh tra nhà nước các cấp vì không thể kiểm soát bao quát hết các đối tượng mà nên giao cho các cơ quan theo phân cấp quản lý cán bộ. Đối với việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, dự thảo trình 2 phương án: áp dụng bằng hình thức “thu thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm”, đại biểu Thu Trang cho rằng cả 2 phương án này trong nhiều trường hợp chưa đủ cơ sở pháp lý và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đề xuất phương án tối ưu hơn để Quốc hội xem xét, quyết định.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường các quy định phát huy quyền và trách nhiệm của người dân trong phòng, chống tham nhũng; bổ sung quy định cán bộ, công chức công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai cũng thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác như các lĩnh vực quản lý tài chính, tài sản công, kế hoạch và đầu tư, mua sắm trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, quản lý xây dựng cơ bản… mà dự thảo quy định.
Văn Tân