(Báo Quảng Ngãi)- Hai năm qua, huyện Tây Trà đã cụ thể hóa Kết luận 31 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội, giảm nghèo bền vững ở 6 huyện miền núi, bằng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và bước đầu mang lại hiệu quả.
Đầu năm 2018, anh Hồ Văn Cừu ở thôn Bắc Dương, xã Trà Thọ đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. Hiện kinh tế gia đình anh Cừu khá ổn định, có 2 con bò, 3 ao cá, 5.000 cây keo và quế... Anh Cừu cho biết, nhờ sự hỗ trợ vốn, kỹ thuật của các cơ quan chức năng, anh đầu tư mua bò, cá giống để nuôi và nay đã vươn lên thoát nghèo.
Hiện nay, cây keo, quế trồng mới được 2-3 năm, nhưng cá thì đã có vài thương buôn đến đặt hàng. "Tháng sau, tôi sẽ thu hoạch lứa cá đầu. Đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, có vốn tích lũy và cố gắng không để tái nghèo", anh Cừu nói.
Anh Hồ Văn Cừu ở xã Trà Thọ (bên phải) chia sẻ cách làm kinh tế để thoát nghèo. |
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này, nên các xã ở huyện Tây Trà đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của trung ương và tỉnh, nhất là những chính sách đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như tín dụng ưu đãi, Chương trình 30a, 135, các dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất...
Các xã còn tập trung hỗ trợ người dân cây, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các mô hình khuyến nông, khuyến lâm. Riêng năm 2017, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện gần 11 tỷ đồng. Nhờ đó, trong năm 2017, huyện Tây Trà đã giảm 264 hộ nghèo, đưa số hộ nghèo trên địa bàn từ 75% năm 2016 xuống còn gần 70% năm 2017.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Trà Hồ Hoàng Thái, thực hiện Kết luận 31 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Tây Trà đã cụ thể hóa các nội dung sát với điều kiện thực tế của địa phương. Ban Thường vụ Huyện ủy đã phát động phong trào “Giảm một hộ nghèo”để phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo; giao nhiệm vụ cho từng đồng chí trong cấp ủy, từng cán bộ, đảng viên... trong việc giúp các xã, thôn, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Từ việc đổi mới phương thức hỗ trợ sản xuất, huyện còn xây dựng hàng chục mô hình trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó trọng tâm là phát triển cây dược liệu, gừng gió, chè, cây gỗ quý, các vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Cách làm này cũng đã gắn trách nhiệm của hộ nghèo với đồng vốn bỏ ra, nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả...
Tuy nhiên, hiện tại số hộ nghèo của huyện vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với mặt bằng chung toàn tỉnh. Bên cạnh đó, các quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều cũng đặt ra nhiều những thách thức cho địa phương, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền và các hộ nghèo phải chủ động, linh hoạt trong công tác giảm nghèo, nhằm đạt mục tiêu giảm 5% hộ nghèo trong năm 2018.
Bài, ảnh: THANH THUẬN