(Báo Quảng Ngãi)- Kết luận 30 của Tỉnh ủy (khóa XIX) về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020 là chủ trương lớn trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 03 (khóa XVIII) của Tỉnh ủy, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, được các cấp ủy tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực đầu tư trong thời gian qua. Riêng xây dựng NTM có tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, đến nay có 1 huyện và 41 xã đạt chuẩn NTM.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết: Xây dựng NTM là bước đi lâu dài và bền vững. Sau khi hoàn thành các tiêu chí về xây dựng NTM, Huyện ủy đã ra chỉ thị về nâng cao chất lượng xã NTM, huyện NTM, với mục tiêu "4 có". Đó là, mỗi xã có một cổng chào, có một tuyến đường đẹp, có một khu dân cư kiểu mẫu và có một sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nông dân xã Sơn Trung (Sơn Hà) thực hiện mô hình trồng rau sạch. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang yêu cầu các địa phương phải xác định trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong xây dựng NTM, xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần tập trung thực hiện.
Sau hơn 2 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 4,5%/năm. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,2%; lâm nghiệp tăng 9,8%, thủy sản tăng 7,5%. |
Có thể nói, tái cơ cấu nông nghiệp vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa là động lực để đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM. Thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững dựa trên cơ sở phát huy lợi thế, gắn với nhu cầu thị trường.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020, nâng giá trị sản xuất bình quân lên 85 triệu đồng/ha canh tác; thu nhập bình quân đầu người của cư dân nông thôn là 32 triệu đồng/người/năm theo tinh thần Kết luận 30 của Tỉnh ủy đã đề ra.
Trong năm 2017, tỉnh ta có 27 xã về đích NTM, nhiều nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, so với bình quân chung của cả nước thì kết quả xây dựng NTM của tỉnh vẫn còn thấp. Hiện tỉnh ta chỉ có 25% số xã đạt chuẩn NTM, trong khi bình quân cả nước là 35,4%.
Trước những mục tiêu và thách thức đặt ra đối với nông nghiệp, nông thôn, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ đã giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất. Thực hiện thành công mô hình sản xuất giống khoai lang Nhật theo hướng liên kết sản xuất giữa doanh nghiêp - HTX - nông dân, trên diện tích 6,1ha và có 43 hộ tham gia. Mô hình này cho nguồn thu ổn định từ 100 - 120 triệu đồng/ha/vụ, tăng so với các cây trồng khác từ 40 - 50 triệu đồng/ha.
Chủ tịch HĐQT HTX Tịnh Thọ Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Đây là một trong những HTX dẫn đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tỉnh, được Liên minh HTX tỉnh chọn thực hiện mô hình sản xuất khoai lang Nhật và trồng cây keo theo mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân".
Bài, ảnh: T.THUẬN