Tăng cường nguồn lực xây dựng và phát triển văn hóa

02:04, 09/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững" là sự tiếp nối, kế thừa của gần 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mục tiêu của nghị quyết là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ...

Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 03, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quán triệt cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Đến nay, hầu hết các cơ quan, đơn vị, địa phươngđã hoàn thành việc xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết.

Ngôi nhà sàn được phục dựng tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ thu hút đông đảo du khách đến tham quan.                                                        Ảnh: T.L
Ngôi nhà sàn được phục dựng tại Bảo tàng Khởi nghĩa Ba Tơ thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Ảnh: T.L


Ngành GD&ĐT đã chỉ đạo mỗi trường học dựa vào thực tế ở địa phương để xây dựng các bài giảng chuyên đề về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật truyền thống để giảng dạy trong nhà trường. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai giải pháp đảm bảo an toàn và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, để mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước.
 

Mục tiêu đến năm 2020 Quảng Ngãi đạt và vượt các chỉ tiêu: Có 88% gia đình, 78% thôn, tổ dân phố, 96% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; 29 giường bệnh/vạn dân; trên 90% hộ gia đình tiếp cận thông tin qua các phương tiện thông tin và truyền thông... Huy động nhiều nguồn lực trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các thiết chế văn hóa hiện có, đầu tư công viên, khu vui chơi giải trí, các khu du lịch, nghỉ dưỡng theo quy hoạch... Tổng kinh phí cho thực hiện đề án xây dựng, phát triển văn hóa con người Quảng Ngãi khoảng 1.200 tỷ đồng.

Giám đốc Sở GD&ĐT Đỗ Văn Phu cho biết: "Ngành giáo dục luôn xác định mục tiêu giáo dục về nhân cách, tiến bộ về khoa học kỹ thuật. Ở nhà trường phải xây dựng nếp sống văn hóa, chuẩn mực về nhà giáo, về giao tiếp với học sinh, giữa học sinh với học sinh; giữa thầy, cô với trò hình thành bộ quy tắc ứng xử".

Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho người dân; đẩy mạnh các hoạt động thể dục - thể thao, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi có tầm vóc, thể lực, trí tuệ. Điểm nhấn là tuyên truyền các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xác định Nghị quyết 03 là cơ hội để các địa phương đầu tư, phát huy, bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, xã, thị trấn đầu tư  xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở như, nhà văn hóa xã, trung tâm sinh hoạt cộng đồng thôn... Trong đó phục dựng, bảo tồn một số lễ hội văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử để khơi dậy lòng tự hào của người Hrê...".

Qua hơn một năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, bước đầu đã có những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn vướng mắc. Đó là thiếu kinh phí, nhân lực theo dõi, chỉ đạo thực hiện ở cơ sở; trong khi đó lĩnh vực này liên quan đến nhiều ngành như giáo dục, y tế, văn hóa. Việc huy động các nguồn lực để xây mới, duy tu, sửa chữa các công trình, thiết chế văn hóa ở cơ sở cũng đang gặp khó khăn. Cụ thể, toàn tỉnh còn 7 huyện, thành phố; 161 xã, phường và 570 thôn, tổ dân phố chưa có thiết chế văn hóa thể thao. Một số loại hình thiết chế văn hóa đưa vào hoạt động hiệu quả không cao...

 Người dân huyện Lý Sơn giới thiệu với du khách nước ngoài về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Người dân huyện Lý Sơn giới thiệu với du khách nước ngoài về Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.


Do đó, một trong những giải pháp đặt ra là, tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, để phát huy hiệu quả, phục vụ nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, cần xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đây là một nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự nhận thức đầy đủ, quyết tâm, đầu tư kinh phí tương xứng... để có thể đặt nhiệm vụ văn hóa lên ngang bằng với phát triển kinh tế, xã hội.


Bài, ảnh: THANH THUẬN


 


.