(Báo Quảng Ngãi)- Phó Giám đốc Sở Tư pháp Lê Chí Phương cho biết, trong năm 2018 sẽ tiếp tục đổi mới, để nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).
Theo ông Phương, công tác PBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, giải tỏa kịp thời những vướng mắc pháp luật, giảm bớt các vụ khiếu kiện vượt cấp, các tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống nhân dân; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh: N.T |
PV: Xin ông cho biết những kết quả của công tác PBGDPL mà Sở Tư pháp đã đạt được trong năm 2017?
Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu tổ chức 3 hội nghị cấp tỉnh triển khai 9 văn bản luật cho gần 600 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, HĐND, UBND các huyện, thành phố và báo cáo viên pháp luật. Sở còn tổ chức hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, tuyên dương gương điển hình trong công tác xây dựng, bảo vệ, thi hành pháp luật và tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015” trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi này đã thu hút trên 38,5 nghìn bài dự thi của 400 tập thể và 52 cá nhân; kết quả có 7 tập thể và 28 cá nhân đạt giải.
Bên cạnh đó, Sở đã tổ chức 14 lớp tập huấn triển khai các đề án PBGDPL; 3 lớp truyên truyền pháp luật về an toàn trật tự giao thông đường sắt, đường bộ; 3 lớp tuyên truyền cho ngư dân; 2 lớp về cải cách hành chính... Đặc biệt, tổ chức sinh hoạt tại 9 CLB pháp luật, với trên 1.500 học sinh, đoàn viên thanh niên tham gia.
PV: Đâu là hạn chế của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức công tác PBGDPL, nhất là chưa nghiêm túc trong việc tham dự các hội nghị triển khai luật. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật các huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã đã được thành lập, nhưng công tác tuyên truyền còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa phát huy hết khả năng, trách nhiệm, chưa đầu tư nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật kiến thức pháp luật để phục vụ cho nhiệm vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên nên chất lượng chưa cao.
PV: Vậy giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian đến?
Ông LÊ CHÍ PHƯƠNG: Trong năm 2018, Sở sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật PBGDPL, chương trình PBGDPL giai đoạn 2017 - 2020, các đề án, kế hoạch PBGDPL đã ban hành; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trong nhà trường và chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức PBGDPL. Trong đó chú trọng phổ biến các nội dung pháp luật phù hợp và xuất phát từ nhu cầu của đối tượng. Quan tâm về nguồn lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện chương trình, kế hoạch PBGDPL, động viên, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích trong PBGDPL. Mặt khác, kịp thời nhắc nhở, đôn đốc, có cơ chế xử lý phù hợp những đơn vị, cá nhân còn thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL...
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, phải gắn công tác PBGDPL với hoạt động thực thi công vụ và thực hiện dịch vụ công của công chức, viên chức. Không ngừng nâng cao năng lực, trách nhiệm thực hiện và thi hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, cần xem xét, đánh giá thực chất, khách quan về hiệu lực, hiệu quả, tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ, mức độ “thẩm thấu” vào đời sống xã hội của hệ thống pháp luật hiện hành. Khắc phục tình trạng pháp luật được ban hành nhiều, nhưng ít đi vào đời sống. Cần thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến của nhân dân, của đối tượng chịu sự tác động khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
NG.TRIỀU (thực hiện)