(Báo Quảng Ngãi)- Hiện nay, việc tổ chức họp dân ở các thôn hay tổ dân phố mà huy động được số lượng người dân tham gia là rất khó. Do đó, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức ở các khu dân cư hằng năm, là dịp thu hút đông đủ nhất người dân tham gia. Nhưng để duy trì và nâng cao chất lượng buổi sinh hoạt, cần phải đa dạng và tạo điểm nhấn thật sự, nhằm thu hút người dân tham gia.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thông thường, nghi thức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, gồm chào cờ, giới thiệu đại biểu, báo cáo về hoạt động trong năm của thôn, tổ dân phố, tổng kết công tác mặt trận, tham gia ý kiến của đại biểu và người dân dự họp, biểu dương, khen thưởng hộ gia đình, khu dân cư tiêu biểu... và cuối cùng là phần liên hoan. Về nội dung báo cáo thì dường như năm nào cũng giống nhau. Kinh phí tổ chức, ngoài khoản do chính quyền địa phương cấp, còn lại từ nguồn vận động trong dân, những người hảo tâm...
Bên cạnh một số địa phương tổ chức ngày hội khá chu đáo, thu hút được nhiều người dân đóng góp và tham gia, để lại nhiều dấu ấn đẹp trong cộng đồng dân cư, cũng còn không ít nơi làm hình thức, coi nhẹ phần lễ, xem nặng phần hội. Do vậy, trong chỉ đạo điều hành việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm, cần chú trọng những điểm nhấn quan trọng. Báo cáo của thôn, tổ dân phố cần nêu những kết quả cụ thể ngay tại địa phương. Cụ thể là, phải phản ánh cho được về tình hình trật tự xã hội; thực trạng đời sống của người dân; nêu những gương sáng về thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế gia đình, tham gia tích cực các hoạt động, phong trào ở địa phương, như xóa đói giảm nghèo, đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa, thực hiện an sinh xã hội, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn vệ sinh môi trường trong khu dân cư hoặc tổ dân phố...
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ cho năm tới cũng cần đưa ra những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để người dân thảo luận và đăng ký làm theo. Đồng thời đưa ra những ràng buộc cụ thể để cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới, nếp sống văn minh đô thị. Cụ thể là, không được cơi nới mái hiên che lấn lề đường, gia đình không có tệ nạn xã hội, không dùng xe chở quá trọng tải quy định lưu thông trên đường bê tông, không vứt xác súc vật chết bừa bãi... Đồng thời, mỗi thôn, tổ dân phố cần có quy ước ngắn gọn (hay còn gọi là hương ước) cô đọng dễ nhớ, dễ hiểu được xây dựng trên cơ sở tập hợp ý kiến của mọi người.
Việc biểu dương tập thể, cá nhân tiêu biểu cần phải chọn đúng đối tượng; người được khen thưởng phải có sức nêu gương, tránh làm theo quen biết cảm tính. Việc trợ giúp người neo đơn, khó khăn trong khu dân cư cũng rất cần, nên dành một ít kinh phí vận động được để tặng quà cho người già khó khăn, người ốm đau... để ngày hội là niềm vui của mọi nhà. Các trò chơi dân gian cần có trong phần hội như giới thiệu cặp hát hố đối đáp, biểu diễn những bài võ được lưu truyền trong cộng đồng, hay kể những câu chuyện quê hương để các thế hệ sau còn biết về lịch sử quê mình... Tất nhiên những nội dung này cần phải được đầu tư lựa chọn trước, mới đạt được kết quả như mong muốn.
Một vấn đề quan trọng nữa là, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư cần hạn chế việc tổ chức liên hoan linh đình, dẫn đến những lời ra tiếng vào không hay, gây mất tình làng nghĩa xóm. Khắc phục được những bất cập đó, thì mới thật sự là ngày hội đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Bùi Văn Tạo