Trong nhiều năm liền, những người con Hà Nội chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm ăn, sinh sống đã tạo nên một cộng đồng người Hà Nội tại phương Nam. Họ là những trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ... ra đi mang theo tuổi trẻ, ước mơ và hoài bão lớn. Dù ổn định cuộc sống ở thành phố sôi động, nhưng trong tâm thức họ, Hà Nội vẫn mãi là nơi hướng về.
|
Người dân cả nước luôn hướng về Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền |
Chuyện "dứt áo ra đi" của vị bác sĩ
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng (48 tuổi) hiện là Giám đốc Bệnh viện quốc tế Thảo Điền (quận 2, TP Hồ Chí Minh) sinh ra trong một ngôi nhà ở phố Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Cách đây gần 15 năm, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tại Pháp, trở về Việt Nam, bác sĩ Thắng đã quyết định "Nam tiến" để phát triển sự nghiệp và nhận được lời mời của Bệnh viện Pháp - Việt vào TP Hồ Chí Minh đảm nhiệm vai trò Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình. Đó là một vị trí nhiều người mơ ước, nhưng quyết định xa Hà Nội của bác sĩ Thắng chịu rất nhiều áp lực bởi sự phản đối của gia đình, họ hàng. Cùng lứa đồng niên của bác sĩ Thắng có đến 15 người cùng quyết tâm lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh.
Từ bác sĩ làm thuê, họ dần vươn lên làm chủ các phòng khám, rồi mở cả bệnh viện tư. Bác sĩ Thắng là người nhạy bén, vừa làm việc cho Bệnh viện Pháp - Việt, ông lại đầu tư mở phòng khám riêng tại quận 1, sau đó trở thành Giám đốc Bệnh viện quốc tế Thảo Điền, một bệnh viện chuyên phẫu thuật thẩm mỹ có tiếng của TP Hồ Chí Minh hiện nay.
Bác sĩ Thắng thừa nhận, so với nhiều người khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, ông có may mắn và thuận lợi ngay từ lúc khởi đầu đã có lời mời làm việc với mức lương hấp dẫn. Càng về sau, sự nghiệp của ông càng thuận lợi nhờ chuyên môn giỏi, sự uy tín, chân thành với khách hàng cộng với một quá trình lao động cần cù, tiết kiệm. Có lẽ việc khó khăn nhất của ông vẫn là chọn quyết định ở lại hay quay về Hà Nội khi bố qua đời, người mẹ già cần chăm sóc. Người con đi xa thật khó tròn vai hiếu đạo với đấng sinh thành. Có thời điểm ông như con chim én, bay về giữa hai miền để lo toan mọi việc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng bộc bạch: “Tôi vẫn mong khi nghỉ hưu sẽ được về Hà Nội sống. Về với Hồ Gươm rợp bóng mát, với phố cổ thân quen...”.
Thầy hiệu trưởng đi lên từ thợ hồ
Khác với một con đường được trải hoa hồng như bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, câu chuyện lập nghiệp của thầy Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa thì ngược lại. Thầy Sáng sinh năm 1971, tại vùng quê nghèo của huyện Đông Anh, Hà Nội. Là con út trong gia đình có 9 người con, học xong cấp 3, chàng trai lên đường nhập ngũ. Năm 1992, rời quân ngũ, chàng trai trẻ vào miền Nam làm thợ hồ kiếm tiền để nuôi ước mơ học chữ. Ngày ngày làm việc dưới cái nắng đổ lửa của mảnh đất phương Nam, đêm đêm chàng trai Hà Nội lại miệt mài học tập. Sau khi tốt nghiệp trung cấp kế toán, thầy Sáng vào làm việc cho một công ty, rồi nhận làm thêm hồ sơ kế toán thuế tại nhà. Khi cuộc sống bớt khó khăn thầy tiếp tục đăng ký theo học ngành Quản trị kinh doanh hệ tại chức của Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Năm 2005 thầy hoàn thành chương trình thạc sĩ, đến năm 2007 thì thành lập Trường Trung cấp Ánh Sáng, nay đổi tên là Trường Trung cấp Bách khoa.
Từ một kế toán giỏi, từng xuất bản nhiều cuốn sách dạy về kỹ năng kế toán, thầy Sáng lại rẽ ngang chọn con đường đầu tư cho giáo dục để khởi nghiệp, người thầy trẻ không giấu nổi áp lực và nỗi lo tài chính. “Lúc đầu tư tôi cũng lo sợ, nhưng với mong ước có thể giúp đỡ những con em người nghèo, những người làm công nhân vẫn có thể theo đuổi ước mơ trau dồi kiến thức, tôi quyết tâm làm bằng được”, thầy Sáng chia sẻ. Gần 10 năm phát triển, trường đã có 3 cơ sở đào tạo tại quận 12 và quận 11, hiện nay mỗi năm đón hơn 1.000 sinh viên mới nhập học. Thầy Sáng trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò, động viên các em cùng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, thầy giáo Đặng Văn Sáng... là điển hình cho lớp người con Hà Nội rời xa quê hương đã và đang cống hiến tại TP Hồ Chí Minh. Mỗi người một hoàn cảnh và cách vươn lên khác nhau và đã gặt hái thành công. Giờ đây, những thế hệ người Hà Nội có hai quê hương vẫn tiếp tục cống hiến, góp phần gìn giữ, phát huy và đưa văn hóa của vùng đất Hà thành hòa vào dòng chảy văn hóa nơi miền đất phương Nam.
Tuệ Diễm/Hà Nội mới