(Báo Quảng Ngãi)- Ở xã biển Bình Châu (Bình Sơn), người dân gọi ông bằng cái tên trìu mến: “Bác sĩ của dân”. Cũng dễ hiểu thôi, bởi ông có trái tim nhân ái, hết lòng vì mọi người, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với những mảnh đời bất hạnh...
Nhớ lại chuyện cách đây gần 8 năm, bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn An Hải vẫn không sao quên được cái đêm 29.9.2009. Đêm đó, con gái bà trở dạ khi bão số 9 ập đến, cả xã bị cô lập, không một phương tiện nào có thể tiếp cận để chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Thế là, cả gia đình đều trông chờ vào bàn tay của bác sĩ, Trưởng trạm Y tế xã Bình Châu Nguyễn Hồng Thái.
Bác sĩ Thái (áo trắng) động viên ông Đông uống thuốc. Ảnh: H.T |
Chẩn đoán ban đầu, bác sĩ Thái nhận định, ca sinh của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung là rất khó. Nhưng rồi, tình thế lúc bấy giờ không còn sự lựa chọn nào khác, nên ông cùng đồng nghiệp bình tĩnh xử lý. Lúc bấy giờ ai nấy đều rất căng thẳng, đến khi tiếng khóc của đứa trẻ cất lên, tất cả vỡ òa niềm vui. Cũng chính vì sự nhọc nhằn ấy, mà đứa con của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung được đặt với cái tên Đỗ Gia Bão.
"Hơn 20 năm tham gia công tác tại địa phương, trong đó gần 10 năm là Trưởng Trạm y tế xã Bình Châu, bác sĩ Thái luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với lương tâm của người thầy thuốc, bác sĩ Thái luôn quan tâm đến bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn. Địa phương đánh giá cao việc làm của bác sĩ Thái, dù bình thường nhưng rất đỗi cao quý, lay động đến mỗi người". Bí thư Đảng ủy xã Bình Châu LÊ VĂN NGUYÊN |
Bà Nguyễn Thị Hoa kể: Lúc này, nhìn con đau "kêu cứu", bác sĩ Thái mồ hôi toát ướt đẫm người, thỉnh thoảng nhấc máy nghe điện thoại của ông Nhi (Trương Ngọc Nhi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ), lãnh đạo Sở Y tế động viên, tư vấn cách xử lý, gia đình tôi thầm cầu mong có một phép màu nào đó mà thôi. Và cuối cùng điều đó cũng đã đến, bằng chính tay nghề của bác sĩ Thái. Giờ đây, cháu Bão được 8 tuổi, gia đình vẫn luôn coi bác sĩ Thái là ân nhân.
Bác sĩ Thái sinh ra và lớn lên trong một gia đình luôn ngập tràn lòng nhân ái, bao dung. Vậy nên sự sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh đã ăn sâu vào trong máu thịt của con người ông. Người dân địa phương kể rằng, năm 1992, đi ngang qua chợ ở xã Bình Châu, cha bác sĩ Thái bắt gặp một thanh niên ngây dại, không nhớ quê quán, người thân mình ở đâu, sống nhờ những đồng tiền bố thí của người dân đi chợ, nên ông đã đưa người thanh niên này về cưu mang và đặt tên là Phạm Đông.
Gần 30 năm sống cùng gia đình bác sĩ Thái, những lúc anh Đông ốm đau, lên cơn ngây dại, bác sĩ Thái là người trực tiếp cho uống thuốc và chăm non. Bác sĩ Thái trải lòng: Lúc tôi còn nhỏ, anh Đông đã được ba mẹ dẫn về nuôi. Dù là người bị tâm thần, nhưng lúc tỉnh táo anh rất dễ thương, chăm chỉ, nên cả nhà tôi ai cũng yêu quý, tôi xem như một người anh trong nhà. Giờ ba mẹ lớn tuổi, không thể chăm sóc được, nên tôi lo cho anh ấy là chuyện thường mà thôi”.
Cách đây vài năm, anh Đông bị đau dạ dày nặng phải nằm viện điều trị gần nửa tháng, thế là bác sĩ Thái đành gác công việc túc trực chăm sóc anh Đông. Gần đây, anh Đông thường xuyên lên cơn, không chịu uống thuốc, bác sĩ Thái đành chở anh lên nhà mình ngủ để dễ trông coi. “Nhiều người cứ bảo tôi rước khổ vào thân, bởi anh ấy đâu phải là anh em ruột thịt. Nhưng tôi nghĩ rằng, 30 năm sống cùng gia đình, coi nhau như anh em, giờ bỏ anh ấy đi lang thang ngoài đường thì coi sao được”, bác sĩ Thái chia sẻ.
Không chỉ giỏi chuyên môn, bác sĩ Thái còn luôn quan tâm đến người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật... Từ năm 2012 đến nay, vào dịp Tết Nguyên đán, ông đều bỏ tiền túi để mua quà, bánh tết tặng cho những người nghèo trong thôn. Anh còn lập ra một nguồn Quỹ khuyến học riêng dành để khen thưởng cho những em thi đậu đại học ở thôn.
Bác sĩ Thái nói: Những năm đầu tôi tự bỏ tiền ra để trao thưởng khoảng 3- 4 triệu đồng, mỗi suất quà từ 300-500 nghìn đồng. Sau này nhiều người thấy việc làm đó có ý nghĩa, nên đã tham gia ủng hộ. Đến nay, số tiền huy động được gần 30 triệu đồng, mỗi năm trao từ 3-6 suất, còn lại gần 20 triệu đồng. Mới đây, địa phương có chủ trương bê tông con đường vào khu dân cư, ông trực tiếp đứng ra vận động bà con hiến đất, dỡ tường rào cổng ngõ và đóng góp kinh phí hơn 15 triệu đồng để làm đường.
Thanh Thuận – Hiền Thu