(Báo Quảng Ngãi)- Luân chuyển cán bộ trẻ tuổi theo Quyết định số 379, ngày 31.8.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được xem là chủ trương mới, mang tính đột phá về công tác cán bộ của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đây là việc làm cần thiết, giúp cán bộ trẻ trưởng thành toàn diện và vững vàng hơn, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ trước mắt và lâu dài của tỉnh. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện được điều này.
TIN LIÊN QUAN
Kỳ 1: Khi cán bộ trẻ được trao cơ hội Với những cán bộ trẻ được đào tạo căn bản, có ý chí phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong cuộc sống và thực thi công vụ... thì có rất nhiều điều kiện để phát triển, trưởng thành nếu được Đảng và Nhà nước quan tâm giáo dục, trao cơ hội... |
Động lực để cán bộ trẻ cống hiến
Ở tuổi 33, Phó Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Viết Vy lấy làm vinh dự và cũng đầy lo lắng khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ Bí thư Huyện ủy Lý Sơn. Đây là cán bộ trẻ thuộc diện Ban Thường vụ quản lý đầu tiên được thực hiện luân chuyển, điều động theo Quyết định 379 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đồng chí Vy chia sẻ: Sự quan tâm và tin tưởng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự giúp đỡ, đoàn kết của Đảng bộ huyện là động lực để tôi phấn đấu, cống hiến tận tâm, tận lực và trách nhiệm cho huyện đảo, vì một huyện đảo Lý Sơn giàu có, phát triển bền vững".
Nói là làm. Sau hơn 6 tháng giữ chức vụ Bí thư, đồng chí cùng Ban Thường vụ Huyện ủy đã hoạch định, đề ra mục tiêu phát triển huyện đảo “mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng an ninh ”. Theo đồng chí, trước mắt là phải thay đổi ý thức và kêu gọi người dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Và rồi, người dân đã hưởng ứng nhiệt tình, đó là bỏ và xử lý rác thải đúng nơi quy định; trồng và tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh... Nhờ đó, khách du lịch đến với Lý Sơn nhiều hơn.
Trồng cây xanh trên núi Thới Lới (Lý Sơn). |
Cũng theo đồng chí Vy, để Lý Sơn ngày càng sạch và đẹp trong mắt du khách, huyện đề ra ba giải pháp, gồm: Thực hiện tốt việc thu gom rác thải hàng ngày trên đảo, đặc biệt là khu vực công cộng, các điểm du lịch; riêng đảo Bé (xã An Bình) rác được thu gom hai ngày một lần đưa về nhà máy ở đảo lớn để xử lý. Xây dựng nghĩa trang tập trung để phục vụ chôn mới và cải táng một số mồ mả rải rác trong khu dân cư và đất sản xuất nông nghiệp. Vận động người dân không nuôi dê, bò gắn với chăm sóc, bảo vệ cây xanh, đảm bảo hiệu quả của dự án trồng rừng.
Lý Sơn có diện tích khoảng 10km2 và gần 22.000 dân, nhưng có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu: “Huy động mọi nguồn lực để từng bước đưa huyện Lý Sơn trở thành đô thị biển xanh, sạch, đẹp, văn minh, mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; bảo vệ môi trường bền vững”.
Đồng chí Nguyễn Viết Vy, cho biết: Đô thị biển ở Lý Sơn phát triển theo hướng xanh và thanh bình, các công trình giao thông có quy mô vừa để tiết kiệm diện tích đất. Đi đôi với sắp xếp lại dân cư là từng bước hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho người dân mở rộng kinh doanh dịch vụ, thương mại và phát triển mô hình du lịch homestay... Từng bước hình thành bộ máy chính quyền hiện đại, với những cán bộ hết lòng phục vụ nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... "Để đạt được mục tiêu đó, ngoài nỗ lực của Đảng bộ huyện thì cũng rất cần sự chung tay của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và của tỉnh. Tôi tin rằng, với truyền thống chịu khó, kiên cường trước mọi khó khăn của nhân dân trên đảo, trong tương lai không xa Lý Sơn sẽ là đảo du lịch hấp dẫn", Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Viết Vy nói.
Xắn tay làm những gì dân cần
Phó Phòng Quản lý đô thị TP.Quảng Ngãi Trần Đình Trường, năm 2016, khi mới 34 tuổi đã được luân chuyển về giữ chức Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng và đã bắt tay ngay vào việc gỡ nút thắt để xã trở thành phường vào năm 2020. Đó là, quy hoạch, chỉnh trang các khu dân cư, chợ, lập kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng...
Với sự quyết tâm đó, một số công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, như: Trường mầm non, chỉnh trang khuôn viên trụ sở UBND xã, lát vỉa hè trước Trạm y tế xã, bê tông 4 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 1.000m, xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao Nghĩa Dũng... góp phần thay đổi diện mạo của địa phương. Giờ đây, Trung tâm văn hóa thể thao là địa chỉ quen thuộc của thanh thiếu niên trong xã. Đây là sân chơi bổ ích, lành mạnh, góp phần giảm các tệ nạn xã hội trong giới trẻ. Ông Nguyễn Mạnh ở thôn 2, xã Nghĩa Dũng, cho biết: Chúng tôi rất vui khi dáng dấp đô thị của xã đã từng bước hình thành. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, tệ nạn xã hội trong giới trẻ được kiểm soát.
Đồng chí chủ tịch xã còn quan tâm xây dựng phong cách, thái độ phục vụ nhân dân trong cán bộ, viên chức của xã theo phương châm "làm những gì dân cần, giải thích những gì dân chưa hiểu". Đồng chí Trần Đình Trường, cho biết: Công tác CCTTHC về lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch luôn được UBND xã tập trung chỉ đạo thực hiện, nâng dần mức độ hài lòng của người dân, song vẫn còn một số mặt hạn chế. Vì thế, xã đã nghiên cứu và xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, minh bạch, giảm thiểu việc mất thời gian đi lại của nhân dân.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng Trần Đình Trường tiếp công dân định kỳ. |
Mô hình này kết nối thông tin giữa các bộ phận Văn phòng – Tư pháp – Công an – Địa chính thông qua hệ thống CNTT. Sự tích cực và quyết liệt của người đứng đầu UBND xã đã rút ngắn 35-50% thời gian xử lý thủ tục hành chính cho dân so với trước đây, làm lợi cho người dân 73 triệu đồng từ việc tiết kiệm thời gian đi lại. Thực hiện đăng ký lưu động cho các đối tượng xã hội như người khuyết tật, người già không có khả năng đến UBND xã để làm các TTHC... Qua lấy phiếu thăm dò hàng quý thì mức độ hài lòng của người dân là 90% khi đi thực hiện các TTHC về lĩnh vực tư pháp. Đây là nền tảng để xã thực hiện lộ trình CCHC, là cơ sở để nghiên cứu, mở rộng ở lĩnh vực địa chính – đất đai, trật tự đô thị...
Còn đồng chí Trương Quang Hà được bổ nhiệm giữ chức Bí thư Đảng uỷ thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành) cũng mới 35 tuổi. Việc lãnh đạo xây dựng thị trấn Chợ Chùa đạt đô thị loại V là một nhiệm vụ không dễ đối với một bí thư trẻ tuổi như Hà. Để có sự phát triển bền vững, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã lãnh đạo tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; vận động, khuyến khích nhân dân phát triển các ngành kinh tế, nhất là thương mại dịch vụ, công nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Đồng chí Trương Quang Hà, nói: Sự quan tâm của Ban Thường vụ Huyện uỷ, sự tin tưởng, giúp đỡ của cán bộ, đảng viên trong xã đã giúp tôi vượt qua nhiều bỡ ngỡ, khó khăn; bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở địa phương. Cuối năm 2016, thị trấn Chợ Chùa được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại V. Địa phương đã kiến nghị huyện đặt tên cho các tuyến đường, ban hành Quy chế quản lý đô thị. Xây dựng kế hoạch huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện các chỉ tiêu đạt thấp, trung bình và 9 chỉ tiêu chưa đạt để đô thị đạt giá trị bền vững.
Từ thực tiễn cho thấy, hầu hết cán bộ luân chuyển về cơ sở đều được đánh giá tích cực. Điều đó khẳng định sự chủ trương đột phá trong công tác cán bộ của tỉnh là đúng đắn, nhằm tạo nguồn cán bộ đủ năng lực, kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý cho cấp ủy, chính quyền các cấp.
THANH THUẬN – BÁ SƠN
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------
*Kỳ 2: Tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý