Những bông hoa giữa đại ngàn

02:02, 06/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Giữa đại ngàn Sơn Tây hùng vĩ, những già làng nơi đây như những cây đại thụ giữa núi rừng, âm thầm che chở, nuôi dưỡng những giá trị văn hóa, tinh thần cho biết bao thế hệ.

TIN LIÊN QUAN

Với họ, việc chăm lo đời sống của bà con, giữ gìn sự bình yên cho khu dân cư... là lẽ thường tình, như dòng suối Huy Măng mát lành của quê hương chưa bao giờ ngừng chảy.

Dệt những mùa xuân

Trong căn nhà sàn còn giữ nguyên nét xưa, già Đinh Văn Dung (66 tuổi) ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa cẩn thận lau từng ché rượu, một trong những vật dụng lâu đời của đồng bào Ca Dong để chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Vừa tỉ mẩn lau chùi, già vừa tranh thủ kể chuyện về cuộc đời mình.

 Già Đinh Văn Dung. ẢNH: h.thu
Già Đinh Văn Dung. ẢNH: H.Thu


Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, năm 16 tuổi, chàng trai Đinh Văn Dung vinh dự được gia nhập đội du kích xã, rồi lên Đội thanh niên xung phong của tỉnh. Gần 10 năm tham gia chiến đấu, mở đường, vận chuyển lương thực cho cách mạng, bất cứ nhiệm vụ, công việc nào ông cũng hoàn thành.
 

Trong năm 2016, già Đinh Văn Dung ở thôn Huy Em, xã Sơn Mùa cùng các anh em trong gia đình đã tự bỏ tiền túi gần 10 triệu đồng để làm con đường bê tông dẫn vào nhà mình và 8 hộ dân. Việc làm của ông đã làm mọi người nể phục.

Sau ngày giải phóng, ông kinh qua nhiều công việc, từ kế toán xã, Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện đến Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Sơn Tây... Ở cương vị công tác nào, ông cũng luôn đặt lợi ích của dân lên hàng đầu. Năm 2010, ông về hưu nhưng không nghỉ.

Cứ nơi nào có tranh chấp đất đai, mê tín dị đoan, gia đình, làng xóm bất hòa... ông đều lặn lội đến phân giải thiệt hơn và được mọi người nghe theo. “Dân vận muốn thành công phải làm từ gốc, phải hiểu ngọn ngành câu chuyện, nỗi lòng của bà con, từ đó mới giải thích, vận động người ta được”, già Dung chia sẻ.

Vào năm 2013, ở thôn Huy Ra Long xảy ra một vụ mâu thuẫn giữa gia đình ông Đinh Văn Ria và 9 hộ dân nuôi heo thả rông. Ông Ria có 1ha mì đang trong giai đoạn phát triển thì heo vào phá. Bức xúc, ông Ria trộn thuốc để bẫy đàn heo, dẫn đến 13 con của 9 hộ dân bị chết, thiệt hại gần 40 triệu đồng. Chính quyền nói lý không xong, nên phải nhờ đến già Dung. Già nhớ lại: Lúc đó, tôi nhẹ nhàng phân tích chỉ ra lỗi của hai bên, một bên là thả rông sai quy định, một bên là dùng thuốc để bẫy heo, vừa gây thiệt hại tài sản, vừa sai về mặt đạo đức. Con heo bị bẫy thuốc mà mổ thịt, bán ra thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhiều người. Thế là cả hai đều nhận lỗi và hòa thuận từ đó.

Vui vì dân được no ấm          

Đã bước sang tuổi 80, nhưng khí chất người lính Cụ Hồ vẫn hiện hữu nơi già Đinh Văn Ân ở thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua. Hết tham gia kháng chiến, già Ân quay về với cuộc sống thường ngày, nhưng vẫn mải miết lo cho cuộc sống của người dân trong khu dân cư. Đưa tay chỉ vào tấm giấy khen Gia đình hiếu học cấp tỉnh, già Ân phấn khởi nói: “Ngày trước, ăn còn thiếu, huống chi là đưa con đến trường. Nên khi sinh con ra, già luôn tâm niệm, phải cho con cái chữ, học văn hóa để cái dạ sáng hơn, làm được nhiều việc tốt cho xã hội. Giờ mấy người con của già đều đã đi làm, trưởng thành cả nên mừng cái bụng lắm”.

Già Đinh Văn Ân. ẢNH: h.thu
Già Đinh Văn Ân. ẢNH: H.Thu


Là gia đình đầu tiên của xã được công nhận gia đình hiếu học, già Ân luôn đề cao chuyện học tập của con em trong khu dân cư. Vậy nên, mấy chục năm qua ông chẳng ngại vất vả, khó khăn để cùng thầy cô đến từng nóc nhà vận động con em ra lớp theo kiểu "mưa dầm thấm lâu” nên những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học, “học giã gạo” giảm đáng kể.

Không chỉ chuyện học, già Ân mong muốn thế hệ đi sau phải biết giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của người Ca Dong, từ những làn điệu dân ca, cách chơi nhạc cụ, làm các món bánh truyền thống... Cùng với đó là nhắc nhở bà con phải bài trừ những hủ tục lạc hậu để xây dựng vùng quê vùng cao bình yên, đậm đà bản sắc của dân tộc.

Suốt một chặng đường dài tận tụy, hết lòng vì cuộc sống của bà con nhân dân, điều già Ân vui nhất không phải là được các cấp khen thưởng mà thấy được những đổi thay của thôn xóm. Hướng mắt về những đứa trẻ đang đi học về, già nở nụ cười tươi rói, nói: Thôn ngày càng ít hộ nghèo, bà con chăm chỉ lên nương, trẻ em thì nô nức đến trường trên những con đường bê tông thẳng tắp... Chỉ cần cuộc sống bà con yên bình, ngày càng no đủ, thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời tôi.

Hiền Thu


 


.