Ngày 22.2, trên con đường về tổ dân phố Liên Hiệp 2, phường Trương Quang Trọng, TP.Quảng Ngãi nằm chếch dưới phía đông khách sạn Mỹ Trà, nhiều đoàn của Quân khu V, của tỉnh Quảng Ngãi cùng đông đảo bà con đã về viếng hương cụ Phạm Hương.
Cụ Phạm Hương (ảnh chụp tháng 12.2016 tại nhà riêng của cụ). |
“Những năm gần đây cụ tuổi cao nên thường hay bị bệnh. Sau tết Đinh Dậu, cụ bị tràn dịch màng phổi gia đình chuyển qua Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi rồi chuyển ra Bệnh viện C Đà Nẵng. Anh em ở đó đã tận tình cứu chữa, nhưng rồi…”- bà Võ Thị Quá- vợ cụ Hương sụt sùi kể.
Cũng trong làn nước mắt, bà Quá nói: “Trước lúc bệnh nặng, ổng nói với tui, sắp đến tháng 3, kỷ niệm 72 năm Khởi nghĩa Ba Tơ. Lần kỷ niệm này, tui tính lên Ba Tơ dự lễ, thăm bà con một lần, chứ biết đâu rồi không có dịp được đi nữa. Mà quả đúng như vậy. Còn những ngày nằm ở Bệnh viện C Đà Nẵng, sức khỏe yếu dần, ổng nói: “Chắc tui khó vượt qua, tui mà đi, nhà mình cố gắng đừng làm phiền nhiều đến bà con, anh em nhé”.
Cả đời, cụ Hương mặc áo lính, tính cụ bộc trực và thẳng thắn. Khi chuyện trò, sau vài câu nói xã giao là “chất lính” trong người cụ toát ra ngay.
Tháng 11.2016, cụ Phạm Hương- nguyên đại tá Phạm Hương đã được trao huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Trong đời binh nghiệp của mình cụ đã được nhận nhiều huân chương, huy chương kháng chiến. |
Nhớ lại, nhiều lần gặp cụ, kể chuyện về thời thành lập Đội du kích Ba Tơ, cụ cười xòa: “Thì thanh niên lớn lên dưới ách đô hộ của Pháp và chế độ phong kiến, hiểu nỗi nhục mất nước nên tham gia cách mạng, được vinh dự đứng vào tổ chức Đảng ở quê nhà. Cơ sở bị lộ nên Pháp bắt giam ở nhà lao Di Lăng. Rồi sau hai năm mãn hạn tù, Pháp đưa về Căng An trí Ba Tơ để quản thúc”.
Rồi cụ sôi nổi: “Cái” anh “thực dân Pháp tưởng đâu dựa vào núi non lam chướng để quật ngã anh em tù chính trị. Nhưng chúng nhầm to. Anh em mình, người đi buôn cau, người chèo đò, người đi chăn vịt kiếm sống và ngấm ngầm hoạt động, tuyên truyền với đồng bào dân tộc trong châu lỵ Ba Tơ chờ thời cơ…”.
Ngày 9.3.1945, Nhật- Pháp bắn nhau, thời cơ đã tới. Những chiến sĩ cách mạng trung kiên ở Căng An Trí Ba Tơ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Ngãi cùng đồng bào các dân tộc vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền ở châu lỵ Ba Tơ.
Cụ Hương say sưa: “Hồi đó, anh em làm cách mạng là làm chính trị, chứ có ai qua trường lớp quân sự nào đâu, ngoài anh Đôn (trung tướng Nguyễn Đôn) có nghiên cứu súng ống.
Vậy mà, ngày 10.3.1945, khi tước được súng địch, anh Đôn hướng dẫn là tối ngày 11.3, trong đoàn quân khởi nghĩa theo chỉ đạo của anh Phạm Kiệt (trung tướng Phạm Kiệt), anh Đôn, một số anh em, trong đó có mình đã bắn súng thị uy vào đồn.
Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thành công, Đội du kích Ba Tơ được thành lập và tuyên thệ bên dòng sông Liêng rồi thẳng tiến lên núi Cao Muôn lập căn cứ. Những ngày đó, cụ Hương đã hoàn thành xuất sắc trong việc về đồng bằng kết nối đường dây, vận chuyển lương thực, vũ khí ngược sông Liêng lên bến Buông rồi chuyển lên chiến khu Cao Muôn.
Rồi khi đội du kích Ba Tơ chuyển về trung châu, cụ lại đảm nhiệm chức Trung đội trưởng Trung đội Lương Ngọc Quyến, thuộc đại đội Hoàng Hoa Thám đóng quân trên núi Lớn trước khi tỏa về giành chính quyền ở Quảng Ngãi.
Cụ Hương thường bảo: Mình là cái anh may mắn có mặt ở tuyến đầu của những điểm son lịch sử”. Cách mạng tháng 8.1945 thành công, nhiều thành viên Đội du kích Ba Tơ đã qua rèn luyện thử thách được cấp trên điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Cụ Hương được phân công làm Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Bình Thuận tham gia đánh Pháp ở chiến trường Đồng Nai khi Pháp quay trở lại chiếm Nam Bộ cuối năm 1946. Rồi cụ Hương được điều động ra chiến trường Quảng Đà.
Cuối năm 1952 cụ được được điều động ra Bắc tập huấn rồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách là Chủ nhiệm chính trị phụ trách các tiểu đoàn thông tin, vô tuyến điện trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đóng quân ở Mường Phăng. Một ngày sau chiến thắng Điện Biên, cụ Hương cùng với các tướng lĩnh đã theo đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến kiểm tra chiếc hầm trú ẩn của tướng Đờ-Cát.
Sau chiến thắng Điện Biên, cụ Hương được điều động sang lực lượng pháo binh rồi chuyển sang lực lượng phòng không không quân bảo vệ bầu trời miền Bắc. Năm 1962, cụ tham gia mở đường Trường Sơn với tư cách là chính ủy binh trạm 3 trực tiếp phụ trách đoạn từ Bến Bạt – Quảng Trị đến Tà Xẻn- Kon Tum. Ba năm sau ông được điều động về Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng. Đến năm 1980 về hưu với cấp hàm đại tá.
Cụ Hương thường bảo: “Trong chiến tranh bom đạn nó né mình, chứ mình có né được nó đâu. Có lần ở Binh Trạm 3, B52 thả bom, anh em lính trẻ chạy tới quật mình ngã rồi nằm trên người mình để “bảo vệ cấp trên”. Rồi khi máy bay cắt xong đợt bom, cây gãy bụi bay mịt mù, tất cả lòm còm đứng dậy, chúng lại cười nói: “Không có tui em thì thủ trưởng “ngoẻo “rồi”.
Cũng có khi cụ ngậm ngùi: Ngày ấy, nhiều sinh viên đại học tham gia thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Lúc mới tham gia mở đường, nhiều cô tóc dài chấm gót, sức trẻ căng tròn. Vậy mà ở Trường Sơn chừng non một năm, phong thổ hà khắc, bệnh sốt rét làm cho da xanh xao, tóc rụng nên mình chủ động đề xuất và tướng Đồng Sĩ Nguyên chấp nhận cho chị em sau 3 năm làm thanh niên xung phong được quay trở lại miền Bắc.
Những năm cuối đời đôi mắt của cụ Hương sáng tỏ trở lại. Cụ đọc báo, xem truyền hình. Năm 2010, nhân kỷ niệm 65 năm Khởi nghĩa Ba Tơ, cụ Hương về Ba Tơ thay mặt anh em Đội du kích Ba Tơ nhận bằng khen của Chủ tịch nước công nhận danh hiệu AHLLVT cho Đội du kích Ba Tơ, cụ Hương bồi hồi nói: “Giá mà anh em trong đội du kích Ba Tơ còn sống mà về đây chia sẻ niềm vui”. Rồi cụ nhờ anh em đưa đi thăm Hang Én, thăm núi Cao Muôn.
Cụ Hương đã về với cõi vình hằng, về với anh em đồng đội , nhưng sự trung kiên một lòng vì nước của cụ thì còn mãi".