(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Nhìn chung, đến thời điểm này có thể khẳng định rằng, kinh tế- xã hội tỉnh ta tiếp tục duy trì tốc độ phát triển, ANQP được giữ vững, công tác xây dựng Đảng có nhiều đổi mới, an sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn... Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIX, trước mắt là nhiệm vụ năm 2017 đòi hỏi Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, công tác dự báo tình hình; sự chung tay của Mặt trận và tố chức thành viên, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân... Đó cũng là nội dung bài phát biểu của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Lê Quang Thích tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 6 (khóa XIX), được PV Báo Quảng Ngãi lược ghi và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế, tỉnh ta cần tiến hành đồng bộ các giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, tập trung thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)...
Khẩn trương thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng bằng cách phát triển chiều rộng và cả chiều sâu. Rà soát, điều tra lại thực trạng năng suất lao động để có biện pháp tăng năng suất lao động ở khu vực sản xuất. Sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, với 4 nhóm giải pháp cơ bản sau: Thứ nhất, chú trọng đào tạo nghề để nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành, tay nghề của người lao động, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng, nhằm giảm hao phí lao động trong quá trình sản xuất. Thứ hai, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tăng chất lượng, số lượng sản phẩm trên một đơn vị thời gian, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba, áp dụng mô hình quản lý tiên tiến, đồng bộ hóa với yếu tố lao động mới và thiết bị công nghệ hiện đại. Thứ tư, chú trọng tăng năng suất lao động để giải quyết bài toán tăng trưởng và tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Quyết tâm, kiên trì thực hiện Kết luận số 05-KL/TU ngày 3.12.2015 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ hai (khóa XIX) về “Đẩy mạnh CCTTHC, thu hút đầu tư”, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Đây là chủ đề, nhiệm vụ xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. Nhiệm kỳ này, tỉnh ta cần 90 nghìn tỷ đồng để đầu tư phát triển trong khi khả năng vốn ngân sách bố trí khoảng 20 nghìn tỷ đồng, còn lại 70 nghìn tỷ đồng phải huy động nguồn lực xã hội. Nếu không huy động được thì không thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng, cũng như các chỉ tiêu khác. Do đó, tỉnh phải tập trung đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, hấp dẫn để thu hút tối đa nguồn vốn đầu tư xã hội, song phải có sự lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, lĩnh vực phù hợp, chú ý công nghệ thiết bị hiện đại và bảo đảm môi trường.
Muốn thu hút đầu tư đạt hiệu quả, tỉnh phải có môi trường đầu tư hấp dẫn và phương thức thu hút đầu tư hợp lý với 10 yếu tố cơ bản, gồm: Phải có quyết tâm chính trị cao, nhất là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, kiên quyết vì mục tiêu, lợi ích chung của tỉnh; TTHC phải đơn giản, gọn, nhanh, chính xác; công tác hỗ trợ đầu tư chu đáo, kịp thời, tận tình; có chính sách thông thoáng với các ưu đãi nổi trội; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhanh; chính sách đất đai hợp lý (giao đất, cho thuê đất, giá đất, thời hạn cho thuê...); quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; chú ý đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng; an ninh trật tự tốt, xử lý nhanh, kịp thời khi có yêu cầu của nhà đầu tư; đổi mới phương thức thu hút đầu tư bằng cách thông qua những doanh nghiệp, nhà đầu tư có uy tín để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp và kết hợp thu hút đầu tư trực tiếp của tỉnh.
Xây dựng doanh nghiệp Quảng Ngãi cả về số lượng và chất lượng để trở thành một trong những động lực cho việc tăng trưởng nhanh, nâng cao sức cạnh tranh, và tăng tính ổn định của nền kinh tế tỉnh nhà. Chú trọng đẩy mạnh khởi nghiệp, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có khoảng 5.500 – 6.000 doanh nghiệp. Quan tâm xây dựng, hỗ trợ những doanh nghiệp có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả bao gồm doanh nghiệp tỉnh, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn, doanh nghiệp FDI (Công ty CP Đường Quảng Ngãi, Công ty CP Phát triển đô thị và Công nghiệp Quảng Ngãi, Công ty CP Đầu tư- xây dựng Thiên Tân, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty DoosanVina, VSIP...), nhằm làm vai trò chủ lực cho tăng trưởng GRDP, đóng góp ngân sách, tạo công ăn việc làm, dẫn dắt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh phát triển và hội nhập quốc tế.
Phải thống nhất trong nhận thức và hành động về khởi nghiệp, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích, động viên mọi người khởi nghiệp. Xem khởi nghiệp là một vinh dự, một khát vọng làm giàu, một nội dung văn hóa chứa đựng tinh thần yêu nước, yêu quê hương Quảng Ngãi. Làm tốt điều đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội...
Chúng ta cũng cần nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc hơn về mục tiêu, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Xây dựng kế hoạch phòng thủ và sẵn sàng cùng cả nước làm tốt việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân, nhất là ở các địa bàn chiến lược. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương và ngân hàng để hỗ trợ ngư dân đầu tư mua sắm phương tiện đánh cá hiện đại, hỗ trợ kịp thời khi ngư dân gặp nạn hoặc bị tàu nước ngoài uy hiếp tấn công gây thiệt hại, đồng thời có tiếng nói đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.
Quảng Ngãi là một tỉnh có truyền thống cách mạng, giàu lòng yêu nước, nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Do đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong tỉnh không được xem thường, vì làm tổn thương tình cảm của bà con nhân dân trong tỉnh và làm giảm sút niềm tin đối với Đảng.
Để đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn trên, cần phải làm tốt công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra giám sát, dân vận, nội chính. Dựa vào dân “để khám đúng bệnh và chữa căn bệnh này”. Muốn vậy, phải phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra phải thực chất và có hiệu quả. Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội; đồng thời các tổ chức này phải chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện tốt Quyết định 217 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội, Quyết định 218 của Bộ Chính trị về việc Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh. Để làm tốt nhiệm vụ đó, Mặt trận phải đổi mới việc tập hợp và phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, cũng như các lực lượng có liên quan mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao.
Tin rằng, với quyết tâm chính trị cao nhất của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQVN tỉnh...; sự đoàn kết trong toàn đảng bộ, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân... Quảng Ngãi sẽ không ngừng phát triển, sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phú Đức (lược ghi)