(Báo Quảng Ngãi)- Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhiều năm nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này thì cần thống nhất quan điểm chỉ đạo của các cấp ủy.
Đã 5 năm qua, ông Dương Minh Tòng ở thôn Hiệp Sơn, xã Phổ Thuận (Đức Phổ) được tín nhiệm giao nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Để quản lý, điều hành tốt mọi nhiệm vụ trong thôn, ông đề ra phương châm: "Chi bộ nắm làng, đảng viên nắm hộ".
Trong các cuộc họp, ông dành nhiều thời gian để đảng viên báo cáo tình hình của khu, cụm dân cư nơi phụ trách, sinh sống; đồng thời đề xuất biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế. Ngoài ra, ông Tòng thường xuyên gặp gỡ, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ dân chấp hành đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, giữ vững an ninh trật tự.
Ông Dương Minh Tòng (bên trái) đang trò chuyện với người dân trong thôn về việc làm đường giao thông nông thôn. |
Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, ông đã phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trong việc triển khai thực hiện các chủ trương của cấp ủy về dồn điền đổi thửa, làm đường bê tông nông thôn.
Ông Tòng chia sẻ: “Vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết, vừa trực tiếp lãnh đạo thực hiện nên thuận lợi là triển khai công việc nhanh hơn, dễ tạo được sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ và ban cán sự trong thôn. Tuy nhiên, để gánh trọn hai vai ngoài nỗ lực của bản thân còn đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần cộng sự cao của cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của quần chúng trong thôn”.
"Thời gian tới, huyện Đức Phổ tiếp tục duy trì và khuyến khích các xã tuỳ theo điều kiện cụ thể mà nhân rộng mô hình này. Phấn đấu đến năm 2020, có 50% xã thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn và 50% xã thực hiện mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận thôn". Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý. |
Bí thư Đảng ủy xã Phổ Thuận Huỳnh Văn Khánh cũng đồng tình với chia sẻ của ông Tòng. Đây là thôn duy nhất của huyện Đức Phổ thực hiện mô hình này. “Việc cơ cấu chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn được đông đảo đảng viên, nhân dân đồng tình, vì đã mang lại sự thống nhất, đồng thuận cao, tiết kiệm thời gian hội họp... Nhờ vậy, việc thực thi các công việc từ xã xuống cơ sở cũng nhanh gọn, hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc tập trung được quyền hạn thì trách nhiệm người đứng đầu được tăng lên, sai đúng gì cũng không đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi được cho ai...”, ông Khánh cho biết. Hiệu quả rõ nhất là, nhiều năm liên tiếp chi bộ thôn Hiệp Sơn được công nhận trong sạch, vững mạnh. Cá nhân ông Dương Minh Tòng 5 năm liền xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hiện nay, số xã thực hiện mô hình này chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ (chỉ khoảng 5%) và trên thực tế không phải địa phương nào thực hiện mô hình này cũng thuận lợi. Một số nơi áp dụng mô hình này như một giải pháp “tình thế”, do thiếu nguồn cán bộ. Đảm nhận chức vụ trưởng thôn hơn 25 năm, trong đó có 10 năm kiêm cả hai vai trò, ông Lê Sơn - Bí thư kiêm trưởng thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) chia sẻ: Thôn có đến 7 cụm dân cư với gần 450 hộ, nên khối lượng công việc tương đối nhiều. Nhiều năm nay tôi xin nghỉ chức trưởng thôn để tập trung công việc của cấp ủy, nhưng không có người thay thế nên đành phải làm. Mặt khác, chế độ phụ cấp cho trưởng thôn không bao nhiêu, nhưng va chạm với dân nhiều, nhất là từ khi dự án Mỹ Trà – Mỹ Khê triển khai xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, nên nhiều người rất ngại mỗi khi được đề cử vào chức danh trưởng thôn.
Hiệu quả của mô hình là điều không phủ nhận, vì cơ cấu bộ máy gọn nhẹ, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Quý – Bí thư Huyện ủy Đức Phổ, để mô hình này phát huy hiệu quả, quan trọng nhất là khâu lựa chọn cán bộ và chế độ chính sách kèm theo. Người đảm nhiệm chức danh này phải có năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành, có khả năng bao quát công việc.
Bài, ảnh: Thanh Thuận