Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng- Kỳ 1: Đột phá trong thực thi công vụ

02:10, 12/10/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII xác định: “Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, xây dựng phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân, bám sát thực tiễn, nói đi đôi với làm”. Với tinh thần đó, ngay năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các cấp ủy trong tỉnh đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đặc biệt là trong công tác tổ chức cán bộ.
 

Kỳ 1: Đột phá trong thực thi công vụ

Cuối tháng 8 vừa qua, 402 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao”. Đây là cơ sở pháp lý để người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hành động theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

 

Quyết tâm chính trị cao nhất

Lãnh đạo Ban Tổ chức tỉnh ủy ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Lãnh đạo Ban Tổ chức tỉnh ủy ký cam kết thực hiện Quyết định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.


Sau hội nghị quán triệt và ký cam kết ở cấp tỉnh, đến nay 14/14 huyện, thành phố và các sở, ban, ngành đã cụ thể hóa Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho phù hợp với tình hình thực tiễn và tổ chức cho cán bộ thuộc cấp mình quản lý ký cam kết.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh cho biết: Trên cơ sở Quy định 306, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cụ thể hóa thành Quyết định 342 và tổ chức cho 198 cán bộ ký cam kết. Hiện nay, đảng bộ các xã, thị trấn cũng đang tiến hành tổ chức quán triệt và ký cam kết. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu cán bộ xây dựng kế hoạch thực hiện phải sát đúng với chức trách nhiệm vụ được giao.

“Quảng Ngãi đang cần chìa khóa để mở cửa đón các nhà đầu tư, nhằm thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Chìa khóa đó không ở đâu xa mà ngay chính cán bộ chúng ta. Mong muốn lớn nhất của tập thể Ban Thường vụ khi ban hành Quy định 306 là sẽ hình thành nên nhiều chìa khóa, tạo tâm lý, sức bật mới và phát huy khả năng sáng tạo trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Từ đó tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, LÊ VIẾT CHỮ nói.

Đến thời điểm này, Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Bồng đã tổ chức quán triệt Quyết định 324 đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, kể cả cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, tạo được sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống chính trị. Mục tiêu huyện hướng đến là, thông qua Quyết định này sẽ xây dựng, củng cố lại đội ngũ cán bộ các cấp, có tinh thần trách nhiệm, phát huy được tính sáng tạo của mình...

Cùng với huyện Trà Bồng, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cũng đã cơ bản cụ thể hóa Quyết định 306 của Ban Thương vụ Tỉnh ủy và hoàn thành việc ký cam kết. Việc làm này nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong mỗi cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu; từng bước rà soát, điều chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới.

Điều đáng ghi nhận là, các đơn vị, địa phương đều gắn việc thực hiện Quyết định 306 với yêu cầu, mục tiêu đã được đề ra theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh với 3 nhiệm vụ đột phá (về phát triển công nghiệp, xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao nguồn nhân lực) và 3 nhiệm vụ trọng tâm (phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển, đảo và cải cách hành chính); cũng như thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội của chi, đảng bộ cùng cấp.

Nhiều địa phương, đơn vị xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong việc chỉ đạo CCTTHC; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; thực hiện mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ... Trong kế hoạch đăng ký đã nêu rõ những nội dung cần đổi mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong lĩnh vực được phân công theo từng mốc thời gian cụ thể.   

Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Võ Đình Trà, nói: Bình Sơn đang hướng đến trở thành huyện phát triển toàn diện, năng động của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này phụ thuộc rất lớn vào cán bộ. Vì thế, Đảng bộ rất chú trọng đến việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp, từng ngành và mỗi cán bộ; đồng thời tổ chức giao ban hàng quý để đánh giá kết quả, kiểm điểm trách nhiệm, bởi khi đã rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm thì hiệu quả có thể đo đếm được, tránh được tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.

Huyện quyết tâm cụ thể hóa Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống lành mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực và sức bật mới trong công tác cán bộ, góp phần đổi mới đồng bộ, toàn diện trên tất cả các phương diện.

Cải thiện môi trường đầu tư

Quyết định 306 là sự thể chế hóa về công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.  Đây còn là sự ràng buộc trách nhiệm chính trị và pháp lý đối với cán bộ trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, CCTTHC, phòng chống tham nhũng, lãng phí...

Quy định 306 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong thực thi công vụ; khắc phục tình trạng cán bộ làm việc kém hiệu quả, trì trệ, cản trở sự phát triển chung của tỉnh. Thông qua thực hiện Quyết định này sẽ đánh giá cán bộ thực chất hơn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo ra được hành lang để xử lý những cán bộ không chấp hành phân công, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc đánh giá được thực hiện theo hướng: Cấp trên đánh giá cấp dưới, người đứng đầu đánh giá những người thuộc quyền quản lý, cấp trên trực tiếp đánh giá người đứng đầu cấp dưới. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị  chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo thẩm quyền; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp. Nói cách khác, cán bộ nào có biểu hiện trì trệ, bảo thủ, thiếu tinh thần trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, cản trở sự phát triển thì sẽ bị xử lý, đưa ra khỏi bộ máy để làm trong sạch bộ máy nhà nước, tạo môi trường trong sạch cho sự phát triển mới.


Bài, ảnh: THANH THUẬN



 


.