Kỷ niệm về Tết Độc lập

09:09, 01/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tôi còn nhớ, ngày tôi còn nhỏ ở Hà Nội, mỗi dịp lễ Quốc khánh 2.9 thì cả gia đình tôi, từ con tới cháu đều tập trung đông đủ. Ông bà cụ thân sinh của tôi còn mời thêm một người thầy và người bạn thân là cụ Phạm Quang Lược - đại biểu Quốc hội khóa I tới nhà dự “Tết Độc lập”.  

TIN LIÊN QUAN

Hồi ấy nhà ai cũng nghèo, gọi là “ăn Tết” nhưng chỉ là bữa “ăn tươi” theo cách gọi ở miền Bắc hồi ấy: Gia đình lấy phần gạo tiêu chuẩn đi đổi bún, nếu có được con gà hay con vịt thì nấu lên ăn với bún. Chỉ thế thôi, nhưng bây giờ nghĩ lại vẫn thấy ấm áp trong lòng.

Với bất cứ quốc gia nào ngày Quốc khánh cũng là ngày đại lễ, “ngày Tết”. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhưng nếu cùng thời gian đó ở những nước giàu người ta mở sâm-banh ăn mừng, thì chúng tôi ở Hà Nội chỉ ăn bún. Nhưng niềm vui thì chắc chắn không khác nhau.
 

Cảm giác của tôi cho tới bây giờ về ngày “Tết Độc lập” vẫn là cảm giác ấm áp, như cảm giác những người dân Việt Nam nghe giọng nói Bác Hồ trên lễ đài trước Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945. Giọng Bác Hồ lúc ấy thật ấm áp, rất tình cảm, và đầy sự chia sẻ với tất cả người dân Việt. Giọng nói ấy bộc lộ một tâm hồn, một khát khao, một mong ước. Đó là mong ước của toàn dân tộc, thể hiện qua giọng nói của một người khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ.

Tôi cứ nghĩ mãi, vì sao mở đầu Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam, Bác Hồ lại trích dẫn một đoạn mở đầu trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ? Chắc chắn, vì tư tưởng từ hai bản Tuyên ngôn ấy có những điểm gặp nhau rất cơ bản, nó nói lên quyền tự chủ độc lập của một quốc gia, quyền mưu cầu hạnh phúc của một dân tộc và quyền của từng cá nhân con người mong được sống trong tự do, dân chủ và hòa bình.

Những điều căn cốt từ bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam được tuyên đọc ngày 2.9.1945, sau 71 năm vẫn là kim chỉ nam, là tư tưởng dẫn đường cho cả dân tộc và cho mỗi người Việt Nam trong cuộc sống. Nó không chỉ khẳng định quyền tự chủ của một quốc gia, mà còn khẳng định quyền sống xứng đáng với nhân phẩm của mỗi con người.

Tuyên ngôn Độc lập là phải vậy! Nó không chỉ nói lên khát vọng của một quốc gia, một dân tộc, mà còn phải nói lên được khát vọng của mỗi con người. Bây giờ, chỉ cần chúng ta sống và thực hiện theo đúng tinh thần, đúng tư tưởng của bản Tuyên ngôn Độc lập mà Bác Hồ đã thay mặt toàn dân Việt Nam tuyên đọc cách đây 71 năm, là chúng ta và cả đất nước mình đã đi đúng hướng. Niềm mong mỏi được hòa nhập với cả thế giới cũng đã thể hiện rõ ràng trong bản Tuyên ngôn Độc lập ấy. Lý tưởng vì nhân loại cũng đã bừng sáng trong những dòng chữ của bản tuyên ngôn.

Từ bao năm nay, gia đình tôi vẫn giữ nguyên truyền thống từ cha mẹ mình để lại, là “ăn Tết”- thực chất là tổ chức một liên hoan nhỏ trong ngày Tết Độc lập 2.9 cùng bạn bè. Buổi liên hoan ấy bao giờ cũng rất vui, nó giống như niềm vui của bà con dân tộc Mông khi họ tụ hội về một địa điểm dự “Tết Độc lập” hằng năm. Đúng vào ngày Quốc khánh 2.9. Thật tuyệt vời, bà con người Mông của tôi!  
   

THANH THẢO
 


.