(Báo Quảng Ngãi)- "Đi xin tiền riêng cho mình mới ngại, chứ xin tiền cho dân, cho xóm thì có gì mà ngại", đó là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Nhung (69 tuổi) - Bí thư chi bộ thôn An Hòa, xã Tịnh Giang (Sơn Tịnh). Sự tích cực của ông đã giúp thôn có đủ kinh phí hoàn thành nhà văn hóa, phục vụ công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Nhắc đến ông Nhung, người dân xã Tịnh Giang đều nhớ đến tinh thần nhiệt huyết của ông, không sợ cực khổ, gian khó, cái gì có thể làm cho quê hương, ông đều dốc sức. Giữa trưa, chúng tôi đến nhà đúng lúc ông đang ghi chép tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự ở thôn. Đón chúng tôi bằng nụ cười hiền hậu, cánh tay trái bị thương tật, nhưng ông vẫn rất nhanh nhẹn. Rót tách trà nóng mời khách, ông Nhung lặng lẽ nhớ về một thời bom đạn của mình.
Ông Nhung (bên trái) đang bàn bạc vấn đề của thôn với hội viên Hội Cựu chiến binh của thôn An Hòa. |
Cũng như nhiều thanh niên trai tráng trong làng, 17 tuổi ông Nhung tham gia làm du kích địa phương. Vào sinh ra tử, nhiều lần bị thương, nhưng lần bị thương nặng nhất khiến ông suýt mất đi mạng sống là năm 1968, khi đang giữ chức Trung đội phó Trung đội 2 thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 81. Ông được cấp trên giao nhiệm vụ tập kích địch tại xóm Xiếc, xã Tịnh Hà. Khu vực này quân ta theo dõi khá lâu, nắm được giờ giấc hoạt động tuần tra của địch, ông cùng các chiến sĩ của ta bao vây, tấn công địch. Sau nhiều giờ chiến đấu, quân địch bị quân ta tiêu diệt. Nhưng do vũ khí chiến đấu của địch quá hiện đại, quân ta bị thương nhiều, lúc đó ông cũng trúng lựu đạn làm bên trái của cơ thể bị thương nặng.
"Tôi may mắn giữ được mạng sống, nhưng cánh tay trái thì mãi mãi nằm lại ở chiến trường. Di chứng để lại quá lớn, cơ thể vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, nên năm 1969, tôi được đưa ra Bắc điều trị", ông Nhung nhớ lại.
Bị khuyết một cánh tay, không thể trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông Nhung đi học bổ túc văn hóa và được phân công về làm việc tại Phòng Kế hoạch của Quân khu 3. Công tác ở đây đến năm 1976, ông xin chuyển về quê hương và công tác tại UBND huyện Sơn Hà, phụ trách lĩnh vực kinh tế - hạ tầng. Đến năm 1983, ông được chuyển về xã Tịnh Giang làm Chủ nhiệm HTX. Ba năm sau, ông làm Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang. Đến năm 1994, ông về hưu, nhưng hoạt động nào ở địa phương ông cũng đều có mặt. Vì vậy, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn An Hòa đến tận bây giờ.
Trải qua 22 năm làm Bí thư chi bộ thôn, ông cùng cán bộ, đảng viên trong thôn tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, kết nối tình đoàn kết xóm làng. Năm 2012, khi phong trào nông thôn mới được phát động, ông cùng với ban lãnh đạo thôn triển khai, tuyên truyền đến người dân và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Người dân cùng chung tay xây dựng các con đường bê tông, kênh mương trở nên thông thoáng, sạch sẽ. Tuy nhiên, đời sống kinh tế của người dân trong thôn vẫn chưa phát triển đồng đều, nên khi triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn, người dân đóng góp chỉ được 37 triệu đồng, không đủ kinh phí thực hiện.
Hiểu được tình hình địa phương, ông bàn với Ban công tác Mặt trận thôn đi xin hỗ trợ từ những người con thành đạt của địa phương. Thế là ông khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh để xin tiền hỗ trợ. Một lần chưa đủ, ông tiếp tục vào lần 2, lần 3 và cuối cùng cũng đủ kinh phí xây dựng, hoàn thành năm 2013, với tổng số tiền là 300 triệu đồng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Hồ Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hội CCB xã Tịnh Giang, cho biết: "Nếu không có ông Nhung, có lẽ đến nay nhà văn hóa thôn cũng chưa hoàn thành được. Sự nhiệt huyết, hết lòng vì quê hương của ông Nhung như truyền lửa cho những người làm công tác dân vận như chúng tôi dốc sức hơn nữa trong các phong trào ở địa phương".
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG