Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã: Mô hình khó nhân rộng

09:09, 05/09/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc thí điểm mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã” theo chủ trương của Bộ Chính trị (khóa X), được tỉnh ta triển khai từ năm 2009 tại 5 xã thuộc huyện Đức Phổ, Tư Nghĩa, Ba Tơ, Bình Sơn và Nghĩa Hành. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các xã thí điểm mô hình này không còn thực hiện. Ở cấp huyện, thành phố có huyện Nghĩa Hành đang thực hiện mô hình này.

Năm 2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch số 55 và chọn 4 xã, 1 thị trấn thực hiện thí điểm mô hình “Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND” ở xã Phổ An (Đức Phổ), Nghĩa Thương (Tư Nghĩa), Ba Điền (Ba Tơ), Bình Phú (Bình Sơn) và thị trấn Chợ Chùa (Nghĩa Hành). Các đơn vị này đều có kinh tế, xã hội ổn định, nội bộ đoàn kết... thuận lợi cho quá trình triển khai.

Mô hình “nhất thể hóa”  hai chức danh trên đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị đồng bộ. Cụ thể là, việc ban hành chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện của các xã sát đúng và kịp thời hơn.

Với Luật Chính quyền địa phương có hiệu lực, các địa phương miền núi khó thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND.
Với Luật Chính quyền địa phương có hiệu lực, các địa phương miền núi khó thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND.


Tuy nhiên, nhiều cán bộ là người “trong cuộc” cho rằng, việc một người đảm nhận "hai vai" sẽ gặp nhiều áp lực, do khối lượng công việc nhiều, dẫn tới việc điều hành, quản lý lúng túng, hiệu quả thấp, nhất là những nơi cấp phó và bộ phận tham mưu bị hạn chế về năng lực. Hơn nữa, đây là mô hình thí điểm nên chưa có quy định, cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền, vi phạm các nguyên tắc trong lãnh đạo, điều hành công việc.

Qua khảo sát và trao đổi với nhiều cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện và tỉnh thì đa số đều cho rằng, dù mang tính ưu việt, nhưng mô hình này khó nhân rộng, nhất là khi thực hiện Luật Chính quyền địa phương.

Bí thư Huyện ủy Trà Bồng Hồ Ngọc Thịnh cho biết: Thực hiện chủ trương này, năm 2010, huyện thực hiện thí điểm tại thị trấn Trà Xuân, nhưng đến Đại hội Đảng bộ thị trấn, nhiệm kỳ 2015- 2020 thì cấp ủy xin dừng, vì không kham nổi công việc. Sau bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021, thực hiện theo Luật Chính quyền địa phương, Trà Bồng không có đơn vị cấp xã nào được bố trí hai phó chủ tịch, nên càng khó nhân rộng mô hình này.

Nếu đồng chí bí thư đồng thời là chủ tịch UBND khó đảm đương được công việc của địa phương, nhất là khi chỉ còn bố trí một phó chủ tịch. Khi gánh "hai vai", công việc tăng lên rất nhiều, từ xử lý văn bản, giấy tờ hành chính, đến lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công việc của đảng bộ và chính quyền. "Chỉ nói riêng chuyện họp đã mất quá nhiều thời gian, vì các cuộc họp đa số yêu cầu đích danh chủ tịch hoặc bí thư dự", ông Hồ Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Một cái khó nữa là, khi đồng chí Bí thư là Chủ tịch UBND, còn Phó Bí thư là Chủ tịch HĐND, mà UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, nên khi điều hành cũng rất khó. Một số đồng chí cho rằng, nếu địa phương có mặt bằng dân trí cao, điều kiện giao thông tốt, môi trường sống tốt và có hai phó chủ tịch thì việc triển khai thực hiện mô hình này khả thi hơn.

Hội nghị BCH Trung ương lần thứ  7 (khóa XI) xác định một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cũng đã nói rõ việc hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc hết sức quan trọng, phức tạp, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cũng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ”, nhằm xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Thực tế cho thấy “mô hình thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã” tại một số địa phương trong tỉnh đã cho thấy tính ưu việt cũng như một số hạn chế, bất cập. Đó là, có thể thực hiện mô hình này đối với những nơi có đủ điều kiện, kinh tế, xã hội phát triển ổn định, nội bộ đoàn kết, thống nhất.

Một việc cũng không kém phần quan trọng là, phải lựa chọn được cán bộ chủ chốt có năng lực, bản lĩnh, quyết đoán, nhận được sự tín nhiệm cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Đồng thời, xác định rõ cơ chế lãnh đạo, điều hành, tránh “nhầm vai” thông qua quy chế làm việc của cấp uỷ, HĐND, UBND.

Mặt khác, để tránh việc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, cấp uỷ, HĐND, UBND cấp trên cần thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra trong quá trình thực hiện; MTTQ và các đoàn thể cần làm tốt công tác giám sát... Đây là yếu tố quan trọng để đề phòng, hoặc kịp thời khắc phục những biểu hiện độc đoán, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Điều lệ của Đảng.


Bài, ảnh: THANH THUẬN



 


.