(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua; xây dựng quy ước, hương ước theo hướng văn minh, tiến bộ; phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Qua đó, tác động tích cực tới việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tăng sự minh bạch trong các hoạt động, lĩnh vực.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở ngày càng khẳng định hiệu quả rõ nét, đặc biệt là tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Việc công khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự án, công trình đầu tư, chủ trương, chính sách an sinh xã hội... đều được triển khai hiệu quả, đảm bảo dân chủ, đúng luật, phát huy vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng chính quyền.
Nhiều địa phương công khai nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp cơ sở trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân; phương thức và kết quả bình xét hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ sản xuất, trợ cấp xã hội... thông qua hệ thống loa truyền thanh, họp KDC, tổ dân phố hoặc niêm yết tại trụ sở UBND.
Nhờ làm tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhiều công trình đường nông thôn được hoàn thiện phục vụ đi lại cho người dân. Trong ảnh: Làm đường giao thông ở xã Long Mai - Minh Long). |
Một trong những hiệu quả mang lại thông qua thực hiện QCDC ở cơ sở là vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Điển hình như huyện Đức Phổ, chỉ trong 6 tháng đầu năm đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất, hàng trăm ngày công, vật kiến trúc trị giá hàng chục triệu đồng, xây dựng 17,3km giao thông nông thôn; huyện Sơn Hà thực hiện chương trình “Thắp sáng đường quê”, lắp đặt được 170 trụ điện trong các KDC hẻo lánh; huyện Ba Tơ xây dựng 5 nhà văn hóa trị giá trên 2 tỷ đồng...
Việc thực hiện QCDC trong xây dựng nông thôn mới được cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia xây dựng, huy động sức dân, tổ chức thực hiện và giám sát các công trình nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 11 xã nông thôn mới;16 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 50 xã đạt 10 -14 tiêu chí.
Các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh điều chỉnh quy chế phối hợp công tác giữa cấp ủy, chính quyền với công đoàn và quy chế tiếp công dân; sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc theo hướng công khai hóa công vụ, nêu cao đạo đức, trách nhiệm công vụ.
Theo đó, sau hội nghị CBCNVC đầu năm, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ; công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng công chức, viên chức, đào tạo, quy hoạch cán bộ; dân chủ trong việc xếp lương, nâng ngạch...Tập trung thực hiện thanh tra trên các lĩnh vực liên quan đến một số lĩnh vực: Quản lý đất đai, giao đất, giao rừng, đầu tư xây dựng... đã góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Trong 6 tháng đầu năm, ngành thanh tra toàn tỉnh đã thực hiện 158 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính và chuyên ngành tại 318 cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua thanh tra đã phát hiện 295 cá nhân và 2 tổ chức vi phạm, kiến nghị thu hồi hơn 2,3 tỷ đồng.
Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được các cơ quan nhà nước thực hiện đúng luật. Không chỉ hướng dẫn, giải thích cho công dân hiểu về chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà cấp ủy, chính quyền các cấp còn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có biện pháp lãnh đạo, giải quyết thỏa đáng, kịp thời những quyền lợi chính đáng của dân.
Những kết quả trên khẳng định việc thực hiện QCDC ở cơ sở được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo đúng, trúng, tạo động lực, niềm tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: PV