(Báo Quảng Ngãi)- Luân chuyển cán bộ là một khâu quan trọng trong công tác tổ chức cán bộ. Làm tốt công tác này sẽ giúp cán bộ thay đổi nhận thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời đào tạo, rèn luyện thử thách cán bộ qua thực tiễn, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn; khắc phục tình trạng cục bộ địa phương...
Thực hiện lộ trình phát triển đô thị và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngay sau Đại hội Đảng bộ TP.Quảng Ngãi lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015 -2020, Ban Thường vụ Thành ủy Quảng Ngãi đã thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ, lãnh đạo.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy xác định, luân chuyển để phát triển đội ngũ cán bộ, bảo đảm có đủ nguồn, để mỗi nhiệm kỳ có thể thay thế cán bộ lãnh đạo các phòng, ban, đoàn thể và cán bộ chủ chốt các phường, xã. Trong quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền thành phố quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định và tạo nguồn cán bộ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Đến thời điểm này, Ban Thường vụ Thành ủy đã tiến hành luân chuyển, điều động 4 cán bộ, trong đó có 3 đồng chí về địa phương làm Bí thư Đảng ủy phường Trần Phú, Nghĩa Lộ và Chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng. Dù chỉ là năm đầu tiên, nhưng hoạt động của những xã, phường nơi có cán bộ luân chuyển đã có chuyển biến trên một số lĩnh vực.
Nhờ bám sát cơ sở, nắm được tình hình, nên hầu hết số cán bộ này đã cùng với cấp ủy, chính quyền bàn giải pháp thực hiện mục tiêu nhiệm vụ, kế hoạch của năm 2016 mang tính khả thi cao. Cùng với thành phố, nhiều địa phương như Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà... cũng đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ về cơ sở, nhằm tạo điều kiện để cán bộ rèn luyện, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ cả trước mắt và lâu dài.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương, kể cả cấp tỉnh, một số sở, ban, ngành vẫn chưa thực hiện tốt công tác này. Tại Hội nghị trực báo các cơ quan khối Đảng mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay cần làm ngay là, phải xây dựng Kế hoạch luân chuyển, điều động cán bộ ở cấp mình, cơ quan, đơn vị mình.
Việc thực hiện luân chuyển cán bộ xuất phát từ yêu cầu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm đúng quy trình, công khai, dân chủ. Trên thực tế, công tác luân chuyển cán bộ về cơ sở không những giúp những đơn vị có khó khăn về cán bộ nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, mà còn tạo điều kiện cho việc xây dựng, điều chỉnh quy hoạch cán bộ sát đúng với thực tiễn. Mặt khác, giúp các cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ nhận rõ những điểm mạnh, điểm yếu, nơi thừa, nơi thiếu... từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác luân chuyển cán bộ hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đó là, việc quán triệt chủ trương luân chuyển cán bộ có nơi làm chưa tốt, chưa chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc cấp mình quản lý, nhất là ở một số sở, ban, ngành, đoàn thể. Luân chuyển cán bộ giữa các đơn vị trong một ngành, giữa các huyện trong tỉnh, giữa cơ quan Đảng, đoàn thể sang khối chính quyền và ngược lại chưa nhiều; còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu cán bộ...
Để làm tốt chủ trương này, đòi hỏi cấp ủy các cấp phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch luân chuyển, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng và công tác tổ chức, tạo sự nhất trí cao trong tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó, cán bộ được luân chuyển và nơi cán bộ luân chuyển đến, tự giác chấp hành nghiêm quyết định của tổ chức. Thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng trong bố trí, sử dụng cán bộ là, căn cứ vào yêu cầu công tác và kết quả đánh giá cán bộ, "vì việc mà tìm người", chứ không phải "vì người mà đặt việc".
Thường xuyên quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ, cán bộ luân chuyển hoàn thành công việc và trưởng thành trong chuyên môn. Quan tâm xây dựng và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển như chế độ tiền lương, học tập, nhà ở... góp phần cải thiện đời sống, giúp cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Và yếu tố quan trọng nhất vẫn là bản thân cán bộ luân chuyển phải xác định được việc luân chuyển không phải như một nghĩa vụ, cứ hết hạn là trở về, là đủ tiêu chuẩn để đề bạt lên chức vụ cao hơn theo kiểu “đã từng công tác ở cơ sở”, mà đi là để rèn luyện, học hỏi, đúc rút kinh nghiệm cho bản thân và trưởng thành hơn từ thực tiễn. Đồng thời, nhận thức đúng mục đích “luân chuyển để phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn”.
THANH THUẬN