(Báo Quảng Ngãi)- Gần 50 năm trôi qua, nhưng ký ức về những giờ phút được nhìn thấy, nghe Bác nói chuyện mãi là kỷ niệm đẹp không bao giờ phai mờ trong tâm trí của bà Nguyễn Thị Thắng ở xã Trà Sơn (Trà Bồng). Bốn lần vinh dự được gặp Bác luôn nhắc nhở bà sống xứng đáng với tình cảm, sự quan tâm của vị lãnh tụ kính yêu.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Thắng trải lòng lý giải vì sao không mang họ Hồ như đa số đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng. Bà kể, năm 15 tuổi bà được chọn ra Bắc học tập tại Trường Học sinh dân tộc miền Nam. Trường hội tụ rất đông dân tộc anh em, trong đó nhiều người đổi sang họ Nguyễn của Bác như một lời khẳng định đều là con cháu Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc). "Còn họ Hồ là mãi đến lúc Bác mất, đồng bào Cor xin đổi họ Hồ để luôn tưởng nhớ đến Người. Họ Hồ hay họ Nguyễn cũng đều là họ của Bác, vì vậy mà tôi giữ họ Nguyễn cho đến tận bây giờ”, bà Thắng bộc bạch với một tấm lòng trân trọng và ngưỡng mộ.
Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Thắng trải lòng lý giải vì sao không mang họ Hồ như đa số đồng bào Cor ở huyện Trà Bồng. Bà kể, năm 15 tuổi bà được chọn ra Bắc học tập tại Trường Học sinh dân tộc miền Nam. Trường hội tụ rất đông dân tộc anh em, trong đó nhiều người đổi sang họ Nguyễn của Bác như một lời khẳng định đều là con cháu Bác Hồ (Nguyễn Ái Quốc). "Còn họ Hồ là mãi đến lúc Bác mất, đồng bào Cor xin đổi họ Hồ để luôn tưởng nhớ đến Người. Họ Hồ hay họ Nguyễn cũng đều là họ của Bác, vì vậy mà tôi giữ họ Nguyễn cho đến tận bây giờ”, bà Thắng bộc bạch với một tấm lòng trân trọng và ngưỡng mộ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích tặng bằng khen cho bà Nguyễn Thị Thắng tại hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. |
Nhớ lại lần đầu tiên gặp Bác, bà Thắng, chia sẻ: Năm 1960, Bác đến thăm trường. Lúc bấy giờ nhiều học sinh đã biết Bác từ trước, nên họ chạy đến ôm Bác. Tôi đứng im, không biết nói gì thì Bác đến hỏi: Cháu ở đâu? Dạ, cháu là học sinh miền Nam. Bác lại hỏi tiếp: Học sinh miền Nam quê ở đâu? - Dạ, cháu ở Quảng Ngãi. Nghe tôi trả lời xong, Bác liền gọi ngay Bác Đồng (Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng), rồi bảo: Chú Tô ơi, đến gặp đồng hương Quảng Ngãi này! Lúc ấy, tôi rất xúc động vì được gặp cả Bác Hồ và Bác Đồng. Đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được hình ảnh của Bác, vị lãnh tụ của một đất nước nhưng giản dị, mộc mạc đến lạ thường, luôn quan tâm đến con em đồng bào dân tộc.
Lần thứ hai và lần thứ ba bà Thắng gặp Bác là dịp Tết Trung thu năm 1962 và 1963. Trong những lần gặp ấy, bà Thắng nhớ lời Bác dặn: Các cháu có biết học để làm gì không? Khi đó, chưa ai kịp trả lời thì Bác nói luôn: Học để phục vụ nhân dân. Lời chỉ bảo đó đã giúp bà Thắng cũng như bao học sinh của trường đoàn kết, rèn luyện học tập tốt để phục vụ đất nước, phục vụ đồng bào... Trong lần thứ 4 vinh dự được gặp Bác, cũng để lại trong lòng bà Thắng những ấn tượng đẹp. Đó là dịp chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa III (nhiệm kỳ 1964 - 1971).
“Trước ngày bầu cử khoảng gần 2 tháng, Bác đến thăm trường. Tại đây, Bác lưu ý và động viên các thầy cô giáo chuẩn bị thật tốt các điều kiện cho học sinh tham gia cuộc bầu cử một cách đầy đủ, tích cực, góp phần bầu ra những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là lần đầu tiên cô gái người dân tộc Cor quê tận Quảng Ngãi như tôi được thực hiện quyền nghĩa vụ công dân của mình”, bà Thắng chia sẻ.
Hoàn thành việc học tập trên đất Bắc, bà Thắng về lại quê hương với tâm niệm “vì nhân dân phục vụ” như lời Bác dặn. Chính vì vậy, nên dù trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau nhưng lúc nào bà cũng đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, kể cả khi nghỉ hưu, bà vẫn tích cực tham gia hoạt động của các hội đoàn thể.
Giờ đây ở tuổi ngoài 70, bà được dân làng bầu chọn là “người uy tín”. Bà kể: Thôn Bắc đa phần là đồng bào Cor, 50% số hộ là nghèo và cận nghèo. Do đó, vấn đề xóa đói giảm nghèo cho người dân luôn được đặt lên hàng đầu. Với vai trò là Bí thư chi bộ thôn, tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu và chủ động trao đổi, bàn bạc với cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều vấn đề để phát triển kinh tế trong từng hộ gia đình như hỗ trợ vốn vay; hỗ trợ cây con giống; thực hiện các mô hình kinh tế, kết hợp hài hòa giữa chăn nuôi và trồng trọt, vận động tương trợ giúp đỡ lẫn nhau... Nhờ đó mà 5 năm qua đã có 75 hộ thoát nghèo bền vững. Với những đóng góp tích cực tại địa phương, mới đây bà là một trong số 28 người uy tín trong toàn tỉnh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Bài, ảnh: THANH THUẬN