(Báo Quảng Ngãi)- Bị giam cầm nơi nhà tù Côn Đảo khét tiếng, với những màn tra tấn man rợ, nhưng những người cộng sản kiên trung ấy vẫn không chùn bước, vẫn đấu tranh dù cái chết luôn cận kề.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kiên trung trong nhà tù tàn bạo
Chiến tranh đã lùi xa 41 năm, nhưng các cựu tù Côn Đảo vẫn còn rùng mình khi nhớ lại hình ảnh của những xà lim, phòng tối, hầm xay lúa, khu đập đá, khu biệt giam chuồng cọp... ở chốn địa ngục trần gian - nhà tù Côn Đảo. Song, họ luôn bảo nhà tù Côn Đảo chính là “trường đào tạo” bản lĩnh chính trị, lòng trung kiên của các chiến sĩ cách mạng.
Đã ngoài 80 tuổi, nhưng trong ký ức của ông Nguyễn Đình Tấn (thôn An Tây, xã Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa), những tháng năm gian khổ trong thời kỳ cõng gạo từ Quảng Ngãi lên Kon Tum phục vụ chiến trường chống Pháp giữa những làn đạn bỏng rát của kẻ thù vẫn không bằng những trận đòn roi, những lần bị giam cầm trong phòng ngục, nơi nhà tù Côn Đảo.
Hai cựu tù Côn Đảo Nguyễn Đình Tấn (bên phải) và Võ Văn Đoàn say sưa trò chuyện về những tháng ngày nơi ngục tù. |
Ông Tấn tham gia cách mạng từ khi còn là thiếu niên, sau đó tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ trên mảnh đất quê hương. Thời ấy, cái tên Nguyễn Đình Tấn được kẻ thù đặt lên vị trí hàng đầu cần phải “khử”. Nhiều lần chúng truy lùng ông nhưng thất bại. Tháng 7.1969, trong một trận càn của địch, vợ và ba con của ông đã vĩnh viễn rời xa ông. Còn bản thân ông bị địch bắt khi đang giữ chức quyền Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng.
“Chúng giam tôi ở nhà tù Tư Nghĩa rồi nhà lao Quảng Ngãi. Cứ sau mỗi lần chuyển trại là một lần bị “ăn đòn no nê”. Tôi quyết không hở răng nửa lời. Đến tháng 3.1972, vào một buổi sáng, chúng bịt mắt tôi lại, rồi đưa lên máy bay bay thẳng vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tại đây, chúng tiếp tục mua chuộc nhưng thất bại và đến tháng 5.1972, tôi chính thức có tên trong danh sách bị đày ra Côn Đảo”, ông Tấn nhớ lại.
Lần đầu tiên chạm trán với nhà tù khét tiếng tàn bạo, ông Tấn bị giam cùng 119 tù chính trị khác trong căn phòng chưa đến 150m2 hơn 5 tháng và liên tục bị tra khảo, đánh đập. Không “moi” được gì, chúng chuyển ông đến căn phòng chưa đến 1m2 để giam.
“Đây là thời điểm chúng liệt tôi vào danh sách tử tù và chuyển hẳn vào trại ba. Tại đây chúng lại giở trò dụ dỗ bằng thức ăn ngon và bảo ai không có tội thì bước ra để được về đất liền. Biết địch dụ dỗ nên tôi im lặng. Không khai thác được gì chúng đẩy tôi vào phòng 1, trại 6, khu B. Đến tháng 11.1973, lại chuyển tôi đến trại 7, khu B chuồng cọp. Căn phòng chỉ rộng 1,8m, dài 2,2m nhưng nhốt đến 4 tù chính trị và chờ ngày xử bắn. Phòng quá nhỏ lại có cả nhà vệ sinh và cái ô chứa nước uống rất bẩn nên tôi bị thổ tả liên tục. Chúng không đưa tôi đến phòng bệnh để trị bệnh như các tù chính trị khác, mà chỉ cho thuốc trị bệnh... sốt rét để điều trị thổ tả. Sau đó lại lôi tôi ra phòng tra khảo, đánh đập. May mà chiến tranh kết thúc sớm chứ không tôi đã bị chúng xử tử rồi”, ông Tấn kể.
Còn cựu tù Côn Đảo, Võ Văn Đoàn (sinh năm 1952, xã Nghĩa Thắng, Tư Nghĩa ), người bị giam tại nhà tù Côn Đảo khi mới 19 tuổi. Ông Đoàn cho biết, trước đó vào đầu năm 1971, ông cùng đồng đội hành quân từ thôn Mỹ Phước (Nghĩa Thuận ngày nay) vào thôn Phú Sơn (xã Nghĩa Kỳ) thì bị địch phục kích, ba đồng đội hy sinh, riêng ông và hai người khác bị bắt.
Đầu tiên địch đưa ông vào nhà lao Tư Nghĩa tra khảo. Tại đây, dù bị đánh đập, nhưng ông Đoàn chỉ khai đúng một câu: “Tôi là dân thường, đêm tối đi theo họ cho đỡ sợ... ma để sáng mai bán bí đao kiếm tiền”. Sau đó chúng chuyển ông ra nhà lao Quảng Ngãi, đến ngày 26.3.1972, thì đày ra Côn Đảo giam cầm với cáo trạng “Tình nghi chính trị”, vì từ đầu đến cuối ông chỉ khai có chừng ấy. “Trong tù chúng tra khảo rất thâm độc, đánh đấm túi bụi, rồi rỉ tai mua chuộc, dụ dỗ. Tuy nhiên, trong đầu tôi luôn kiên định ngày độc lập đang đến rất gần.
Không chỉ kiên định với bản thân trước kẻ thù, mà trong nhà lao các chiến sĩ cộng sản kiên trung liên tục đấu tranh dưới nhiều hình thức. “Lúc đầu mới vào nằm trong phòng cứ đêm đến là nghe tiếng đập vào bờ tường lúc thì hai tiếng, lúc thì ba, bốn tiếng. Tôi cứ nghĩ, chắc anh em tù buồn bực nên đập vào tường. Sau này chuyển phòng, được các đồng chí ở lâu hơn giải thích, nhờ vậy mới biết đó là “tín thư” đặc biệt. Từ đó, tôi nắm được nhiều thông tin hơn và phối hợp cùng anh em tù đấu tranh. Nhất là vào năm 1973, kết hợp kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám (19.8) và Quốc khánh (2.9), chúng tôi đốt lửa và làm lễ đón Tết Độc lập. Cai ngục phát hiện dàn quân đến đàn áp dã man ngay trong tù”, ông Đoàn nhớ lại.
Gương sáng
Hòa bình lập lại, trở về quê hương những người cựu tù ấy trở thành những người làm kinh tế giỏi và hoạt động đoàn thể sôi nổi, vừa là “kênh tuyên truyền” trong giai đoạn khó khăn của đất nước để yên dân.
Trại Phú Hải - Nhà tù Côn Đảo. |
Dù đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông Nguyễn Đình Tấn vẫn ngày ngày đạp xe đi làm cỏ bắp, cỏ đậu. Ông bảo, đòn roi tra tấn của bọn cai ngục không đánh gục mình được thì việc đạp xe đi làm cỏ, cuốc đất như... tập thể dục thôi. “Mình còn sức thì làm, đến khi nào đôi chân không bước được nữa thì dừng. Phải đấu tranh dù trên chiến trường hay mặt trận kinh tế thì cũng phải tham gia đến hơi thở cuối cùng”, ông Tấn tâm sự.
Nay đã nằm một chỗ, trí nhớ lúc còn lúc mất, nhưng cựu tù Côn Đảo Võ Văn An, đã để lại trong ký ức của những đồng đội từng kề vai sát cánh từ chiến trường đến lúc bị giam cầm là một người cộng sản mẫu mực, kiên trung. Từng gây náo loạn ở nhà lao Quảng Ngãi thập niên 70 của thế kỷ XX, bị treo ngược phơi giữa trời nắng nhiều ngày liền và sau đó bị đày ra Côn Đảo giam cầm. Vượt qua tất cả, trở về quê hương phục vụ đất nước, nhân dân với cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, sau đó ông An còn trở thành nông dân sản xuất giỏi nhiều năm liền của huyện Tư Nghĩa.
Ông Nguyễn Sinh Quân- Quyền Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng chia sẻ: “Các bậc tiền bối lão thành cách mạng từng vào sinh, ra tử, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho ngày đất nước tự do, độc lập. Và sau đó là cống hiến vào công cuộc tái thiết đất nước khi nói được, làm được trên mặt trận kinh tế. Các cựu tù Côn Đảo là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi noi theo”.
Bài, ảnh: NGỌC QUANG