(Báo Quảng Ngãi)- Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về công tác phát triển nguồn nhân lực (NQ 05), huyện Tây Trà đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong công tác cán bộ.
Là địa bàn miền núi với phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều nên ảnh hưởng lớn đến tiến trình phát triển của huyện. Đáng lưu ý là, trước khi thực hiện NQ 05, nhiều cán bộ cấp xã mới tốt nghiệp cấp 3, thậm chí nhiều người mới chỉ học lớp 9, nhưng vì thiếu nhân lực nên phải bố trí làm cán bộ. Chính vì thế, thời điểm đó, nhiều công việc ở cơ sở thực hiện kém hiệu quả...
Một góc xã Trà Xinh. |
Trước tình hình đó, Huyện ủy Tây Trà đã bám sát tinh thần NQ 05 của Tỉnh ủy, tập trung phát triển nguồn nhân lực ở địa phương, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ từ huyện đến xã từng bước đạt chuẩn. Huyện đã cử 16 cán bộ đi đào tạo thạc sĩ, 50 cán bộ đi học đại học, 72 cán bộ đi học cao đẳng; đồng thời cử 49 em đi học đại học, cao đẳng hệ cử tuyển tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước...
“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cán bộ người địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy NQ 05 là một giải pháp rất hữu hiệu để Tây Trà giải quyết bài toán nguồn nhân lực tại chỗ”. Ông Hồ Hoàng Thái- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Trà, khẳng định. |
Huyện còn mở lớp đào tạo trung cấp hành chính cho 69 cán bộ cấp xã; cử 16 cán bộ, công chức học cao cấp lý luận chính trị; và mở lớp đào tạo Trung cấp chính trị cho 69 cán bộ cấp huyện... Nhờ đó, đến nay đội ngũ cán bộ đã đáp ứng tiêu chuẩn chính trị và chuyên môn. Huyện còn luân chuyển 3 cán bộ là trưởng, phó các phòng, ban về giữ chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND các xã; luân chuyển 3 cán bộ từ xã về huyện và luân chuyển ngang giữa các cơ quan, khối Đảng, Mặt trận, các đoàn thể và ngược lại với 12 lượt cán bộ... Các cán bộ được luân chuyển đã nhanh chóng tiếp cận cơ sở và phát huy được năng lực.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Trà Hồ Hoàng Thái, phấn khởi nói: Trước đây, tìm cán bộ đủ chuẩn cho huyện và ở cơ sở khó lắm. Nhưng bây giờ thì cơ bản tốt rồi, nhưng huyện vẫn xác định đây là công tác thường xuyên của Đảng bộ. Chuyển biến rõ nét nhất là ở ngành giáo dục, y tế và một số xã. Có được kết quả đó là nhờ huyện đào tạo đúng trọng tâm.
Việc đi cơ sở, gần nhân dân để tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của bà con thường xuyên hơn. Điển hình trong sự chuyển biến về công tác cán bộ là xã Trà Trung, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Quân... nơi mà trước đây đội ngũ cán bộ rất yếu. Hiện cán bộ chủ chốt của các xã đều đạt chuẩn về trình độ chính trị cũng như chuyên môn. Đặc biệt là kể từ khi huyện tăng cường cán bộ trẻ từ huyện về xã giữ chức danh chủ chốt, mọi công việc được điều hành trôi chảy. Bí thư Đảng ủy xã Trà Trung Nguyễn Quốc Bảo cho rằng, nhờ có NQ 05 của Tỉnh ủy mà xã chúng tôi đã thay đổi rất nhiều. Anh em cán bộ đa phần rất trẻ, làm việc có trách nhiệm, tăng cường đi cơ sở, gần dân nhiều hơn...
Cùng với việc chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, Tây Trà còn tiến hành quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, quản lý ở huyện và xã. Hằng năm, dựa vào kết quả nhận xét, đánh giá cán bộ làm căn cứ để tiến hành rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch đúng yêu cầu...
Theo ông Hồ Hoàng Thái, việc quy hoạch các chức danh, chức vụ từ cấp huyện tới cấp xã phải dựa vào tiêu chí chính, đó là trình độ chuyên môn nghiệp vụ, chính trị và năng lực thực tiễn của cán bộ. Bởi vì bố trí cán bộ là để thực hiện nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, nên huyện nhất quyết phải chọn người có đức, có tài.
Bài, ảnh: Bá Sơn