Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tư pháp

02:04, 26/04/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh trong những năm qua không ngừng được củng cố, kiện toàn, tăng về số lượng, cơ bản đảm bảo chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Nhận diện khó khăn

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, ngày 24.5.2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại huyện Sơn Tây có những tiến bộ, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và ổn định đời sống nhân dân.

 Công chức tư pháp - hộ tịch xã Bình Hải (Bình Sơn).  Ảnh: T.L
Công chức tư pháp - hộ tịch xã Bình Hải (Bình Sơn). Ảnh: T.L

Ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, cho biết: Hiện nay, Phòng Tư pháp huyện có 3 người (1 trung cấp, 2 cử nhân luật) và công chức Tư pháp - Hộ tịch các xã là 13 người (8 người có trình độ trung cấp luật). Dù chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện, nhưng có được nguồn nhân lực như trên là cả quá trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư pháp. Tuy nhiên, cũng theo ông Tùng, với trình độ như thế nên đội ngũ làm công tác xây dựng, thẩm tra, thẩm định, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của huyện còn có những hạn chế nhất định. Một số xã còn lúng túng trong quá trình triển khai do không có nhân lực thực hiện.

Hiện nay, tại UBND cấp xã, chưa có chức danh tư pháp chuyên trách mà chỉ có chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch. Trong khi đó, do quá tải về công tác nên nhiều địa phương đã vận dụng bố trí 2 công chức Tư pháp - Hộ tịch. Theo ông Phan Duy Khánh - Bí thư Đảng ủy xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh), hai công chức Tư pháp - Hộ tịch của xã đều có trình độ cử nhân luật. Về cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc, song “kỹ năng mềm” còn yếu nên khi tiếp xúc với người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

 Ngoài việc tham mưu giúp UBND cấp xã quản lý công tác tư pháp, hộ tịch, đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch còn phải đảm nhiệm nhiều đầu việc. Tính chất chuyên môn của công tác hộ tịch và công tác tư pháp (công tác văn bản, tuyên truyền pháp luật, hòa giải...) rất khác nhau nhưng việc "ghép chung trong cùng một chức danh Tư pháp - Hộ tịch" nên cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.
 

Hiện nay, tổng số cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế ở cấp tỉnh là 70 người (có 20 người có trình độ cử nhân luật và 1 thạc sĩ luật). Số lượng đội ngũ công chức Tư pháp cấp huyện là 51 người (có 22 người có trình độ cử nhân luật). Công chức Tư pháp - Hộ tịch của 184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là 258 người (phần lớn là trung cấp luật).

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo báo cáo của Tỉnh ủy, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 48, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực làm công tác pháp luật luôn được tỉnh chú trọng thực hiện. Cơ cấu tổ chức, bộ máy của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã từng bước được củng cố, kiện toàn để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu hoạt động quản lý nhà nước của địa phương. UBND tỉnh đã đồng ý cho các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đại học tổ chức nhiều lớp đào tạo trình độ cử nhân luật để cán bộ, công chức tham gia học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng các tiêu chuẩn, chức danh theo quy định. Sở Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội và Đại học Luật TP.HCM đào tạo 3 lớp trung cấp luật cho trên 500 học viên để các địa phương bố trí đảm nhận các chức danh công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật được Sở Tư pháp và UBND cấp huyện quan tâm, thực hiện thường xuyên. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều cử cán bộ, công chức tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức. Nhờ đó, đội ngũ làm công tác xây dựng pháp luật trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, kiện toàn, tăng về số lượng, cơ bản đảm bảo về chất lượng để thực hiện các nhiệm vụ được giao.


ĐÌNH NGUYÊN

 


.