(Báo Quảng Ngãi)- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu đưa Quảng Ngãi sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi công tác cán bộ phải đi trước một bước. Nghĩa là, phải có tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ, xây dựng cho được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nền tảng cho một chiến lược
Thạc sĩ Lê Tiến Dũng- Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, việc phát triển nguồn nhân lực đã được Tỉnh ủy các khóa trước quan tâm đưa vào chương trình nghị sự, lãnh đạo tổ chức thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020, được coi là nền tảng cho một chiến lược phát triển bền vững của tỉnh. Nghị quyết chuyên đề về nguồn nhân lực này cơ bản bao quát hết các lĩnh vực, song vấn đề mà tỉnh đặc biệt quan tâm là phát triển nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phát triển đội ngũ doanh nhân, nhằm đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng chí Lê Viết Chữ (đầu tiên bên phải) trao đổi với các đồng chí ĐBQH tỉnh khóa XIII. ảnh: pv |
Để nghị quyết sớm mang lại hiệu quả, Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu, cụ thể hóa nghị quyết thành các đề án để triển khai thực hiện. Sự vào cuộc tích cực, kết hợp với công tác kiểm tra, giám sát kịp thời nên các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Nghị quyết 05/NQ-TU đã cơ bản hoàn thành. Công tác khảo sát, dự báo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngày càng được các cấp ủy chú trọng lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả. Chất lượng đội ngũ CB, CCVC trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ngày càng được chuẩn hóa và nâng cao thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ giữa các cấp.
Từ năm 2011-2015, tỉnh ta đã đào tạo, thu hút 30 tiến sĩ, đạt 150%, 513 thạc sĩ, đạt 171% (chỉ tiêu đề ra là 20 tiến sĩ, 300 thạc sĩ)... Huy động được 9.800 tỷ đồng để phục vụ phát triển nguồn nhân lực (vốn ngân sách nhà nước chỉ có 1.180 tỷ đồng), còn lại là vốn khác... |
Thành công của Nghị quyết 05/NQ-TU ở đây không chỉ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao; đào tạo, bồi dưỡng được hàng ngàn CB, CCVC trong hệ thống chính trị các cấp đạt chuẩn và trên chuẩn, tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cho nhiệm kỳ 2015-2020 và những nhiệm kỳ sau; hình thành được một đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế... mà còn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, của cán bộ, công chức về tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực. Cùng với đó là nền kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ phát triển và giữ một vị thế quan trọng đối với nền kinh tế cả nước; tạo dựng được một hình ảnh Quảng Ngãi giàu tiềm năng, thân thiện trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều tồn tại, bất cập
Dù được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo, song trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập. Đó là, công tác dự báo nguồn nhân lực tại các đơn vị, địa phương chưa thật sự chính xác, còn bị động. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thay thế những cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Chưa mạnh dạn bố trí cán bộ, công chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng; còn tư tưởng bảo thủ. Mới chỉ có 6/14 huyện, thành phố bổ nhiệm cán bộ trẻ. Việc điều động, luân chuyển còn bị động, thiếu sự thống nhất trong một số cấp ủy, nên dẫn đến tình trạng mới chuyển đến lại vội rút về, cán bộ luân chuyển không phát huy được năng lực, chưa bố trí hợp lý khi rút về...
“Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá, trong đó chú trọng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và phục vụ sản xuất kinh doanh”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định. |
Trong thực hiện công tác cán bộ phải linh động, có tầm nhìn chiến lược lâu dài; có ra có vào, có lên có xuống; ưu tiên bố trí, bổ nhiệm những cán bộ có năng lực thực sự, phẩm chất đạo đức tốt, chú trọng đội ngũ cán bộ trẻ; sắp xếp, xử lý những cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu người dân, tổ chức... Một vấn đề cũng cần bàn nữa là, không nên sử dụng ngân sách nhà nước cho việc đào tạo để chuẩn hóa bằng cấp, đào tạo sau đại học đối với CB, CCVC tốt nghiệp đại học hệ tại chức, chuyên tu, từ xa... Dành ngân sách để đào tạo chuyên sâu cho những cán bộ trẻ được đào tạo chính quy... Tuyển chọn học sinh giỏi, xuất sắc tốt nghiệp THPT và sinh viên giỏi, xuất sắc ở các trường đại học có uy tín để đưa đi đào tạo đại học trong và ngoài nước... Đề nghị tỉnh định hướng rõ ràng hơn trong công tác phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp về nội dung đào tạo, đối tượng, kể cả kinh phí... Chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ cho doanh nhân trong thời kỳ hội nhập sâu rộng. Nếu có thể thì luân chuyển những chủ doanh nghiệp có năng lực quản lý, tầm nhìn chiến lược qua lĩnh vực hành chính, để tham mưu những chính sách về phát triển công nghiệp cho tỉnh. Chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở dạy nghề phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo nhằm đáp ứng nguồn lao động có tay nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp... Trong nhiệm kỳ này, BCH Đảng bộ tỉnh có nhiều đồng chí trẻ, nhiệt huyết, được đào tạo bài bản, chuyên sâu lĩnh vực mình phụ trách. Nhưng, cái người dân cần ở người lãnh đạo là không phải chỉ nói hay mà còn phải làm giỏi, biết quy tụ, thuyết phục mọi người cùng hành động vì lợi ích chung của tỉnh, của dân. Tất cả những cái đó thuộc về năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực tiễn gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, làm sao để gần dân, gần thực tiễn, hiểu thấu đáo mọi vấn đề từ nhỏ nhất trong dân. Vì thế, xây dựng nguồn nhân lực của tỉnh trong nhiệm kỳ này và giai đoạn đến cũng cần phải chú ý đến những yếu tố đó. |
P.Đức-P.Triều-X.Thiên