TIN LIÊN QUAN |
---|
Kỳ 3: Ngày trở về... Đầu năm 1949, vì yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng chí Phạm Văn Đồng rời Nam Trung Bộ và quê hương Quảng Ngãi, trở lại công tác ở Việt Bắc. Suốt 26 năm dài đằng đẵng, ông chôn chặt trong sâu thẳm trái tim nỗi nhớ quê nhà, nhớ người dân Nam Trung Bộ để lo chuyện đại sự của đất nước, của dân tộc. Khi đất nước ca khúc khải hoàn, Bắc-Nam sum họp một nhà, ông trở về quê trong niềm xúc động trào dâng. |
Về với dân
Cán bộ và nhân dân Quảng Ngãi hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm quê sau ngày giải phóng (18.6.1975). |
Là nhà hoạt động chính trị, nhưng đồng chí Phạm Văn Đồng luôn giữ cho mình một phong thái thanh tao, đời thường. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần ông về thăm quê, miền đất Ấn-Trà như hoa mùa xuân nở rộ, lòng người rạng ngời niềm vui khôn tả. Ngày ông đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ về nhận nhiệm vụ ở Nam Trung Bộ (cuối tháng 11.1946), đông đảo cán bộ, nhân dân quê nhà chờ đón ở phía bắc đầu cầu Trà Khúc. Buổi gặp gỡ chính thức diễn ra tại huyện Mộ Đức trong không gian bùi ngùi xúc động của quân và dân địa phương. Tại đây, ông đã truyền nhiệt huyết, niềm tin tất thắng của cách mạng, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh, khơi dậy sức mạnh trong toàn dân vì mục tiêu độc lập, tự do.
“Người chăn trâu” được bác Đồng yêu quý Trong những lần về thăm quê, Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường đến thăm ông Hồ Giáo - người hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (quê huyện Sơn Tịnh). Thủ tướng rất yêu quý Hồ Giáo, bởi vì là một con người thật thà, cần cù, thầm lặng… Năm 1978, đi thăm Ấn Độ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng được Chính phủ Ấn Độ tặng cho đàn trâu Mura. Khi ấy, ông Hồ Giáo đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu trâu và đồng cỏ Sông Bé, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp và nói: “Có món quà của Chính phủ Ấn Độ tặng, chú tặng lại cho đồng bào Quảng Ngãi 15 con trâu Mura”. Thế là ông Hồ Giáo theo đàn trâu về trại chăn nuôi ở xã Hành Thuận (Nghĩa Hành). Khi còn sống, ông đã cặm cụi chăm sóc đàn trâu Mura, xem chúng như những người bạn luôn ở bên mình. Đó cũng là cách mà ông Hồ Giáo (đã qua đời tháng 10.2015-PV) thể hiện tình cảm không thể diễn tả bằng lời của trái tim mình đối với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
|
Chiều hôm ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh; khen ngợi quân và dân tỉnh nhà đã phát huy được truyền thống cách mạng của quê hương, đoàn kết, kiên quyết đấu tranh chống Mỹ-ngụy, sớm giải phóng được quê hương. Ông Từ Tân Vũ, kể: Quê nhà lúc này bộn bề khó khăn, nhưng Thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn dặn đi dặn lại một điều là: Không được để bất kỳ người dân nào chết đói; mà để không đói thì phải tập trung làm thủy lợi, khai hoang vỡ hóa vì không có nông nghiệp, không có lương thực thì không thể giữ vững chính quyền...
Về quê sau ngày đất nước thống nhất, sau khi làm việc với Tỉnh ủy, Thủ tướng liền bảo phải đi thăm bà con nhân dân: “Lâu không về nên nhớ bà con quê mình lắm!”. Nghe vậy, cán bộ tỉnh lúc bấy giờ ai nấy đều xúc động, nhưng lo, vì sợ an ninh vừa mới giải phóng chưa đảm bảo. Biết tỉnh lo, ông liền động viên: Dân quê mình tốt và tình cảm lắm! Đi đến đâu ông cũng đều được nhân dân đón tiếp niềm nở. Có người mới nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng về đã xúc động rơi nước mắt.
Với bà Nguyễn Thị Dẻo, ngày đó mới 24 tuổi, nhưng đã đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện và là Huyện ủy viên trẻ tuổi nhất ở Mộ Đức, thì không sao quên được cái ngày 20.6.1975 khi Thủ tướng về thăm quê hương Mộ Đức. Bà Dẻo kể: “Hôm làm việc với huyện, bác hỏi: Người trẻ tuổi nhất Ban Chấp hành Đảng bộ huyện là ai? Nghe vậy, tôi vội bước đến. Rồi bác căn dặn: Còn trẻ nên cố gắng học, học nữa, học mãi để phục vụ nhân dân. Xúc động trước lời dạy bảo chân tình của bác, tôi đã òa khóc”.
Sắt son một chữ tình
Sau ngày đất nước thống nhất, gánh nặng non sông đất nước có phần vơi đi nên đồng chí Phạm Văn Đồng về thăm quê nhiều hơn. Mỗi một hình ảnh, cử chỉ, lời nói của ông khi về với quê nhà đều để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng cán bộ, nhân dân, bởi một đức tính cao đẹp.
Đồng chí Phạm Văn Đồng thăm gia đình lão thành cách mạng Đặng Xưởng. Ảnh: T.L |
Hôm đó, ông vui mừng, ôm chầm lấy cụ Từ Ty. Cả hội trường lặng người xúc động trước tình cảm của Thủ tướng với người bạn tù năm xưa. Cũng hôm gặp gỡ ấy, Thủ tướng đã nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo tỉnh và thị xã Quảng Ngãi: Những lão đồng chí từng chịu tù đày, tra tấn sống đến ngày nay là rất hiếm, rất quý, các đồng chí phải chăm sóc chu đáo các lão đồng chí ấy. Về phần cụ Từ Ty, bác nhờ các đồng chí ở tỉnh và thị xã Quảng Ngãi chăm sóc tận tình cho... Nói đến đó, Thủ tướng nắm chặt tay cụ Từ Ty, rồi nói: Chúc ông sức khỏe và hẹn lần sau gặp lại. Cuối năm 1982, hay tin cụ Từ Ty qua đời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gửi điện chia buồn và gửi vòng hoa để viếng người bạn tù.
Tháng 9.1991, Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm quê, và cũng không quên đến thăm cụ Đặng Xưởng, lão đồng chí sống trên 100 tuổi, là anh trai của đồng chí Đặng Dụng Phu (người cùng ở tù Côn Đảo với bác Đồng). Gia đình cụ Đặng Xưởng có 8 người con và cháu nội hy sinh, con trai của cụ là Đặng Cần - chiến sĩ du kích Ba Tơ. Hàn huyên cùng nhau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cảm nhận được những ưu tư của cụ Đặng Xưởng khi tuổi cao sức yếu…
Thế là Thủ tướng quay sang dặn dò ông Từ Tân Vũ: Đồng chí về báo cáo với lãnh đạo Tỉnh ủy phải quan tâm nhiều đến người cao tuổi. Nói rồi, ông chỉ ra cụ thể từng việc mà tỉnh và địa phương cần làm để chăm lo cho cụ Đặng Xưởng. “Lúc ra về, bác Đồng bảo rằng, tâm lý người già là vậy đó. Khi thấy mình tuổi cao, không còn có ích cho gia đình và xã hội, làm phiền người khác thì muốn ra đi. Bác bảo, dù bác đã gần 90 tuổi, nhưng thấy vẫn còn có ích, còn làm được việc nên vẫn muốn sống, tuy nhiên quỹ thời gian eo hẹp nên phải làm việc khẩn trương”, ông Vũ kể lại lời bác Đồng.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng là thế đấy. Không chỉ chăm lo những việc đại sự của đất nước, của dân tộc, mà ông còn quan tâm đến cuộc sống thường ngày của những người bạn, người đồng chí và bà con nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc. Điều ấy tưởng chừng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống, nhưng lại thấm đẫm tình người, tình quê hương, tình đồng chí...
Kỳ 4: Trọn tình Tổ quốc, vẹn tình quê