KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG (1.3.1906 - 1.3.2016)
Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong lòng người dân Quảng Ngãi (Kỳ 2)

03:02, 25/02/2016
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2: Dấu ấn ở Nam Trung Bộ


(Báo Quảng Ngãi)- Với sự mẫn cảm chính trị của một nhà hoạt động cách mạng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có những quyết sách mang tính bước ngoặt đối với cách mạng cả nước nói chung và Nam Trung Bộ nói riêng. Trong giai đoạn từ 1946 – 1949, ông là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ, trong đó Quảng Ngãi là “thủ phủ kháng chiến”.


Một ngày mùa thu năm 1948, người thanh niên Lê Quang Nhị khi ấy vừa ngoài 20 tuổi, được tổ chức cử tham gia học tập tại Trường Trung học Bình dân miền Nam Trung Bộ (THBDMNTB). Ngày đầu đến lớp, anh thanh niên tên Nhị ấn tượng về một người đàn ông trung niên, vóc dáng vừa tầm, nụ cười hào sảng. Sau những lời chào hỏi, người đàn ông đó viết lên bảng 6 chữ: “Trung với nước, hiếu với dân”, rồi cắt nghĩa từng ý một, với giọng hết sức truyền cảm và thuyết phục. Đó là đồng chí Phạm Văn Đồng.

“Gieo hạt giống đỏ” cho cách mạng

 

Cựu học sinh Trường THBDMNTB chúc mừng sinh nhật lần thứ 92 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.               Ảnh: Đăng Lâm
Cựu học sinh Trường THBDMNTB chúc mừng sinh nhật lần thứ 92 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: Đăng Lâm


Dù đã ngoài 85 tuổi, nhưng những ký ức về ngôi trường đặc biệt này vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông Lê Quang Nhị, hiện là Trưởng Ban Liên lạc Trường THBDMNTB. Trên căn gác nhỏ trong ngôi nhà bên đường Hùng Vương (TP. Quảng Ngãi), lớp học và người thầy mà ông vinh dự theo học được ông Nhị “vẽ lại” hết sức chân thực. Ông Nhị kể: “Khi ấy, cả nước nói chung, Khu V nói riêng rất cần có đội ngũ cán bộ, đảng viên cốt cán có tri thức để kiến thiết đất nước, tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng. Trước yêu cầu đó, đồng chí Phạm Văn Đồng quyết định thành lập Trường THBDMNTB. Học sinh đều là cán bộ, đảng viên đã kinh qua công tác, giữ cương vị chủ chốt ở các địa phương...”.
 

“Với thời gian ngắn ngủi 2 năm tại trường, tôi đã có thêm kiến thức, thêm hành trang để công tác và chiến đấu, góp phần cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc… Uống nước nhớ nguồn, tôi chân thành cảm ơn đồng chí Phạm Văn Đồng - người đã có sáng kiến thành lập Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ…”.
Đồng chí Võ Chí Công - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

Lý giải cho quyết định mang tính bước ngoặt này, ông Nhị cho rằng, lúc bấy giờ đồng chí Phạm Văn Đồng đã thấy được vấn đề, chỉ có tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, đức hy sinh thì chưa đủ để làm “công bộc cho dân” mà phải có năng lực, tri thức để phục vụ cách mạng thì mới đi đến thành công, nên việc thành lập trường là một quyết định sáng suốt. Trường đóng ở thôn Hòa Vinh, xã Hành Phước (Nghĩa Hành), khai giảng ngày 1.10.1947, với 6 lớp, trên 300 học sinh đến từ tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hiệu trưởng là ông Nguyễn Tiên, thường gọi là thầy Tú Tiên. Đồng chí Phạm Văn Đồng là Hiệu trưởng danh dự, trực tiếp giảng bài học đầu tiên cho học viên và giáo viên toàn trường với chủ đề: “Trung với nước, hiếu với dân”. Đây cũng là một đức tính lớn của Bác Hồ, đúng với tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn” trong truyền thống giáo dục của dân tộc ta.

Nhớ về ngôi trường ngày ấy, ông Nhị không thể quên tình cảm gắn bó giữa thầy và trò nơi đây. Nhiều thầy giáo đang độ tuổi thanh niên, trẻ hơn một số trò, nhưng khi gọi trò lên bảng vẫn nói với giọng cung kính: “Dạ, mời bác lên bảng…”. Hay có những trò lớn tuổi, có bề dày hoạt động cách mạng, về kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống, nhưng vẫn chân tình kính trọng thầy. Vì thế mà trò và thầy tham gia học tập, giảng dạy nghiêm túc, trong tình cảm yêu thương như anh em một nhà. Theo ông Nhị, dù bận trăm công ngàn việc nhưng đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn dành cho trường sự quan tâm đặc biệt, từ cơ sở vật chất, sách vở đến đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên, học viên...

Dù chỉ tồn tại trong vòng 5 năm với ba khóa, nhưng Trường THBDMNTB đã có những đóng góp khá quan trọng cho cách mạng Khu V nói riêng và cả nước nói chung. Chính từ ngôi trường khá đặc biệt này, đã làm ”bệ phóng” cho nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta, một số đồng chí sau này trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, tham gia làm cố vấn giúp cách mạng các nước bạn Lào, Campuchia...

“Đây là tiếng nói Nam Bộ”

 Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).
Di tích Đài Tiếng nói Nam Bộ (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh).


Trong quá trình sưu tập tư liệu để hoàn thành cuốn Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi (1930 - 2010), nhà báo Hà Minh Đích - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh đã có cơ duyên tiếp cận với nhiều tài liệu rất có giá trị về Đài Tiếng nói Nam Bộ. Theo nhà báo Hà Minh Đích, sở dĩ Đài Phát thanh Liên khu V với danh xưng “Tiếng nói Nam Bộ” có vị trí trang trọng trong lịch sử, trở thành tên gọi thiêng liêng vì đã có lúc Đài được phát sóng thay Đài Tiếng nói Việt Nam và được phép danh xưng: “Đây là tiếng nói Việt Nam”. Hơn nữa, việc xây dựng Đài còn mang ý nghĩa chính trị to lớn. Thông qua “Tiếng nói Nam Bộ”, ta đã kịp thời tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phát huy cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân miền Nam, truyền đạt mệnh lệnh và chỉ đạo của Hồ Chủ tịch và Trung ương, tiếp sức cho làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc bấy giờ còn yếu.
 

Những tờ “tín phiếu kháng chiến”


Một trong những chỉ đạo thể hiện tầm nhìn chiến lược “Tự lực cánh sinh” của đồng chí Phạm Văn Đồng trong những năm tháng hoạt động tại miền Nam Trung Bộ là cho phát hành tín phiếu với các mệnh giá 5 đồng, 50 đồng, 100 đồng, 500 đồng, 1000 đồng để chủ động về tài chính. Sau khi phát hành, tờ tín phiếu được sử dụng khá rộng rãi trong nhân dân. Trong điều kiện ở xa Trung ương, lại bị chia cắt với các chiến trường khác, việc phát hành và sử dụng tín phiếu là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, tạo điều kiện để Nam Trung Bộ xây dựng nền tài chính tự chủ, chống lại sự phá hoại của địch, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của cuộc kháng chiến.

 Tờ  “Tín phiếu kháng chiến” được in và phát hành theo chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng.
Tờ “Tín phiếu kháng chiến” được in và phát hành theo chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Đồng.

 

Dù điều kiện kỹ thuật, nhân lực, vật lực năm 1946 ở Quảng Ngãi còn thiếu thốn, nhưng xác định được tầm quan trọng của việc phải có đài phát thanh, đồng chí Phạm Văn Đồng đã quyết định xây dựng Đài Phát thanh Liên khu V, với danh xưng “Tiếng nói Nam Bộ”. Nơi ra đời của Đài là đình Thọ Lộc, làng Tôn Đính, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Máy móc, thiết bị gom góp, thu nhặt từ nhiều nơi được đặt tại đình Lớn, trên các bệ thờ; ăngten phát sóng cột trên các cây cổ thụ ở sân đình. Phòng biên tập và buồng phát thanh đặt tại một ngôi miếu, cách đình chừng 500m. Đồng chí Nguyễn Văn Nguyễn, người chiến sĩ cách mạng kiên trung vừa ra khỏi tù Côn Đảo là nhà báo lỗi lạc, nguyên xứ ủy viên Nam Kỳ, đại biểu Quốc hội khóa I được cử làm Giám đốc Đài. Cán bộ, nhân viên của Đài cũng là “người của bốn phương”. Có người là Việt kiều từ Pháp về như kỹ sư Cao Văn Hóa, có người từ Thái Lan như đồng chí Sơn, có người là công dân Pháp theo ta kháng chiến như ông Pôn Métten. Họ là nhà báo, là văn nghệ sĩ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, sinh viên, học sinh... tập hợp trong một đại gia đình, vì sự nghiệp chung: Làm đài phát thanh kháng chiến.

Ngày 1.6.1946, lần đầu tiên lời xướng của Đài: Đây là tiếng nói Nam Bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, tiếng nói chiến đấu, mỗi ngày được phát trên làn sóng điện vào lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều. Trong hoàn cảnh hoạt động xa Trung ương, thiếu nguồn tin, thiếu kinh nghiệm, thiết bị chắp vá, nhưng Đài đã giữ vững các buổi phát sóng, mỗi buổi chiều đều có phần bình luận và phần tin tức, tin chiến thắng. Tối thứ bảy hằng tuần có chương trình văn nghệ đặc biệt. Ngoài tiếng Việt, Đài còn có chương trình tiếng Anh, tiếng Pháp, có lúc có cả chương trình tiếng Thái Lan, tiếng Trung Quốc.

Cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Đài Tiếng nói Việt Nam dời lên chiến khu Việt Bắc, Trung ương, Khu ủy Khu V và đồng chí Phạm Văn Đồng chỉ thị Đài Phát thanh Liên khu V bằng mọi giá phải giữ vững hoạt động, không được ngừng dù chỉ là một buổi phát sóng. Đề phòng chiến sự lan rộng, Đài dời lên núi thuộc xã Sơn Tân (Sơn Hà). Những ngày này, đồng chí Phạm Văn Đồng đã lên tận Sơn Tân để thăm, trao đổi công việc với Ban Giám đốc Đài, góp ý với cán bộ, nhân viên Đài cách ăn mặc để bảo mật. Ít lâu sau, đồng chí Phạm Văn Đồng gửi cho Đài nhiều thuốc quý hiếm trị sốt rét, gửi cả bột mì cho ông Pôn Métten làm bánh, vì ông không quen ăn cơm.

Đến năm 1947, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ phát triển mạnh, đủ điều kiện để thành lập Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến. Đầu năm 1948, chiến sự lan rộng, Đài Phát thanh Liên khu V được chỉ thị dời lên Nước Bo; sau đó chuyển qua Nước Trong, thuộc địa phận huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Lúc này, vì đã có Đài Tiếng nói Nam Bộ kháng chiến nên Đài được đổi tên thành Đài Tiếng nói miền Nam. Đến giữa năm 1953, Đài ngưng phát sóng do yêu cầu của tình hình cách mạng lúc ấy, nhưng những đóng góp của Đài cho sự nghiệp cách mạng mang đậm dấu ấn của đồng chí Phạm Văn Đồng.
 

P.Đức-P.Lý-N.Triều
 

*Kỳ 3: Ngày trở về...

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 

 


.