Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia

12:01, 21/01/2016
.

                               *Lê Viết Chữ- Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh,
                                 Trưởng Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ngãi



Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ.

(Baoquangngai.vn)- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đồng chí Lê Viết Chữ - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi có bài tham luận quan trọng. Báo Quảng Ngãi xin trân trọng đăng toàn văn bài tham luận này.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội.

Kính thưa Đại hội.


Thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, tôi xin nhiệt liệt chào mừng và gửi đến Quý vị đại biểu lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, chúc Đại hội XII của Đảng thành công tốt đẹp.

Tôi xin trình bày tham luận "Quảng Ngãi phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia".

Biển, đảo giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc


Cách đây hơn một thế kỷ, một chính khách phương Tây (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Hay) đã lấy biển làm đại lượng không gian để xác định xu thế phát triển của nhân loại. Ông nhận định: “Địa Trung Hải là biển của quá khứ, Đại Tây Dương là biển của hiện tại, Thái Bình Dương là biển của tương lai”. Tương lai ấy đang diễn ra đúng như ông nhận định: Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đang là khu vực phát triển năng động nhất hành tinh, thế kỷ 21 được mệnh danh là “thế kỷ của đại dương”. Đất nước Việt Nam chúng ta may mắn nằm trong không gian năng động đó; Biển Đông là một bộ phận của Thái Bình Dương.

Ở tầm nhìn chiến lược, Nghị quyết Trung ương 4 khóa X tháng 2.2007 về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" chính thức ghi nhận thế kỷ 21 là “thế kỷ của đại dương”. Sự ghi nhận này của Đảng đã mở rộng nội hàm khái niệm phát triển kinh tế biển, nội hàm chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự mở rộng nội hàm này chính là việc nhấn mạnh phát triển kinh tế biển, đảo phải gắn với bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nghị quyết khẳng định: “Ngày nay biển càng có vai trò lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước...” nên chúng ta phải: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo; góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh".

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa bao giờ trong tâm hồn người Việt biển lại gây xôn xao đến vậy. Sự xôn xao này không chỉ gợi lên chút lãng mạn trong thi ca, âm nhạc hay trong đời sống mưu sinh thường nhật của người dân mà nó được nâng lên thành tầm “chiến lược quốc gia”, gắn với “vận hội” của dân tộc, đất nước; lớn lao và trọng đại, nhưng mộc mạc và giản dị: Sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển. Nói cách khác, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi: Nhận thức và hành động

Trong tâm thức mỗi cán bộ, đảng viên và 1,3 triệu người dân Quảng Ngãi, biển là một phần máu thịt, quý giá và thiêng liêng. Nhận thức về biển, đảo của người dân dưới ánh sáng của Đảng, theo lẽ đó, rất rõ ràng và đầy đủ.

- Về địa lý, tỉnh Quảng Ngãi có thế núi, hình sông, lưng tựa dải Trường Sơn, mặt hướng ra Biển Đông trải dài trên 130km bờ biển thuộc 5 huyện, với 25 xã bãi ngang ven biển và 3 xã đảo, có các cửa biển Sa Kỳ, Cửa Đại, Mỹ Á, Sa Huỳnh nối tiếp nhau từ Bắc vào Nam. Ngoài huyện đảo Lý Sơn sầm uất thơ mộng, tiền tiêu của Tổ quốc, cách đất liền khoảng trên 15 hải lý, địa thế “mặt tiền” của Quảng Ngãi cũng đem lại cho tỉnh một vùng ngư trường rộng trên 11.000 km2. Có thể nói, ngoài một Quảng Ngãi đất liền 5,3 ngàn km2 chúng ta còn có hai Quảng Ngãi trên biển, đó là Lý Sơn và hơn 11.000 km2 biển.

- Về kinh tế, biển là nguồn sống của một bộ phận cư dân không nhỏ sống trên đảo Lý Sơn và dọc theo bờ biển của 5 huyện. Từ ngàn đời nay, người dân Quảng Ngãi đã bám biển và sống nhờ biển với các ngành nghề truyền thống dựa vào biển từ khai thác, đánh bắt đến nuôi trồng, chế biến các nguồn lợi hải sản. Biển còn tạo ra nhiều cơ hội cho Quảng Ngãi vươn ra biển lớn, hội nhập cùng bè bạn năm châu. Thương cảng nước sâu Dung Quất cùng với nhiều hải cảng, cảng cá đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo kinh tế của Quảng Ngãi trong những năm qua, là tiềm năng to lớn cho hội nhập và phát triển trong những năm đến.

- Về lịch sử bảo vệ chủ quyền, không một người dân nào trên quê hương Quảng Ngãi không xúc động bùi ngùi, thương cảm và tự hào mỗi khi khai hội Khao lề, thế lính Hoàng Sa. Nhiều thế kỷ trước, nhất là đầu thế kỷ 19, lớp lớp các thế hệ dân phu từ đảo Lý Sơn đến xã Bình Châu vâng lệnh các vua, chúa nhà Nguyễn lên đường ra Hoàng Sa và Trường Sa để thực thi chủ quyền, dựng bia cắm mốc và khai thác sản vật. Nhiều ngôi mộ gió và các kỷ vật, sắc chỉ, chỉ dụ của các triều vua còn lưu lại trên đảo Lý Sơn như minh chứng hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.     

- Về định hướng phát triển, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi nhận thức rõ, phát triển kinh tế biển đảo là tiền đề quan trọng để nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh. Ngoài việc phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường; Đảng bộ Quảng Ngãi đặc biệt chú ý đến việc kêu gọi và thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thế đan xen về thế trận kinh tế - quốc phòng, huy động nguồn lực từ bên ngoài để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trọng tâm tập trung vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực gắn với biển và cảng biển, phát triển du lịch biển đảo.

Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi xác định bốn trụ cột trong phát triển kinh tế biển, đảo, đó là:   

(1) Xây dựng, phát triển KKT Dung Quất và các khu đô thị ven biển.
(2) Phát triển mạnh nuôi trồng, chế biến sản phẩm từ biển.
(3) Khai thác tài nguyên biển; vận tải biển, dịch vụ biển, cảng biển.

(4) Phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo mạnh về kinh tế du lịch và thuỷ sản.
 
Về Khu Kinh tế Dung Quất, đến nay có 129 dự án đầu tư được cấp phép với tổng số vốn đăng ký khoảng 11 tỷ USD; trong đó, có 76 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực hóa dầu, cơ khí, may mặc, chế biến gỗ, dịch vụ cảng, vận tải, sửa chữa tàu biển.

Cùng với phát triển khu công nghiệp, các đô thị ven biển như thành phố Quảng Ngãi, đô thị Đức Phổ, Vạn Tường và huyện đảo Lý Sơn đang có nhiều thay đổi tích cực; các khu, điểm du lịch Thiên Đàng, Mỹ Khê, Sa Huỳnh, cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và dịch vụ nghề cá ven biển đã đi vào hoạt động.  

Quảng Ngãi là một trong số các địa phương thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản; khuyến khích, hỗ trợ ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền công suất lớn khai thác ở vùng biển xa, chủ yếu là ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đến nay, toàn tỉnh có 5.480 chiếc tàu với tổng công suất 934.000CV; trong đó, có hơn 1.870 tàu có công suất từ 90CV trở lên; xây dựng 3 khu neo đậu tránh trú bão, 3 công trình hạ tầng nuôi trồng thủy sản, 16 nhà máy chế biến thủy sản, 24 cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền; thành lập, kiện toàn 10 nghiệp đoàn nghề cá với 6.000 đoàn viên và 307 tổ đội ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển. Năm 2015, sản lượng khai thác thủy sản đạt gần 167.540 tấn các loại, giải quyết việc làm cho hơn 4 vạn lao động trực tiếp trên biển; diện tích nuôi trồng thủy sản gần 1.300 ha, sản lượng đạt 5.850 tấn.

Trong những năm gần đây, mặc dù tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa (từ tháng 5.2014 đến hết tháng 12.2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản). Quảng Ngãi đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gìn giữ hòa bình, ổn định an ninh trên biển. Lực lượng bảo vệ biển, đảo được chú trọng xây dựng cả về tổ chức, biên chế; các công trình phòng thủ dọc tuyến ven biển và trên đảo Lý Sơn được đầu tư xây dựng khá kiên cố; công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ được thực hiện thường xuyên; định kỳ tổ chức diễn tập phòng thủ khu vực nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, đảo và ven biển của tỉnh; công tác tuần tra, kiểm soát, tìm kiếm, cứu nạn trên biển được tăng cường. Công tác bảo hộ ngư dân và tàu thuyền được thực hiện kịp thời, phối hợp với Bộ Ngoại giao can thiệp với các nước đưa ngư dân và tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ về nước an toàn, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ cho ngư dân bị nạn trên biển, bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tàu, tài sản, góp phần ổn định đời sống, giúp ngư dân an tâm tiếp tục vươn khơi bám biển.

Khó khăn, hạn chế của kinh tế biển, đảo là: Quy mô kinh tế biển của tỉnh còn nhỏ bé, cơ cấu thiếu đồng bộ; kỹ thuật khai thác, chế biến hải sản còn lạc hậu. Du lịch sinh thái biển, đảo còn nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được phát huy. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, cảng biển còn yếu kém. Vùng biển của tỉnh chịu tác động thường xuyên của thiên tai, bão lốc với cường độ lớn và tần suất cao; một số cửa biển bị bồi lấp, chưa bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra vào, neo đậu; phương tiện, thiết bị kỹ thuật của lực lượng quản lý, bảo vệ biển chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo vẫn còn hạn chế, tàu thuyền công suất lớn chưa nhiều; việc bám biển dài ngày gặp nhiều khó khăn, tính rủi ro trong khai thác còn cao. Liên kết phát triển kinh tế biển, đảo giữa các tàu, thuyền, giữa các tỉnh trong khu vực chưa đồng bộ; thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển thủy sản còn chậm; đời sống của nhân dân vùng biển còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian đến

Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX xác định phát triển kinh tế biển, đảo là nhiệm vụ trọng tâm. Việc phát triển kinh tế biển, đảo đảm bảo đồng bộ cả công nghiệp, du lịch, dịch vụ; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; cảng biển và vận tải biển; công tác cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển. Một số nhiệm vụ cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất thành trung tâm công nghiệp hàng đầu của miền Trung; phát triển tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là công nghiệp lọc, hoá dầu, hoá chất và năng lượng Quốc gia, các ngành công nghiệp có quy mô lớn; phát triển cảng nước sâu Dung Quất trở thành một trong những cảng có quy mô lớn ở khu vực miền Trung; phối hợp với tỉnh Quảng Nam thu hút đầu tư nâng cấp sân bay Chu Lai thành trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế.

Thứ hai, quy hoạch và xây dựng Lý Sơn thành huyện đảo du lịch mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng, an ninh, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Triển khai dự án Khu bảo tồn thiên nhiên biển, xây dựng Cảng Bến Đình, lập hồ sơ trình Chính phủ công nhận đảo Lý Sơn là Di sản văn hóa cấp quốc gia đặc biệt, khu vực Lý Sơn - Bình Châu là công viên địa chất toàn cầu.

Thứ ba, điều chỉnh kế hoạch, giải pháp thực hiện Chiến lược biển Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển và các huyện ven biển, đảo đóng góp trên 75% GDP của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người khu vực này cao gấp đôi bình quân cả tỉnh.

Các đề xuất, kiến nghị

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tỉnh Quảng Ngãi xin kiến nghị một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Trung ương có chủ trương đầu tư xây dựng hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông ven biển. Về lâu dài, cần đầu tư xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để tạo động lực phát triển kinh tế biển kết hợp với đảm bảo an ninh quốc phòng.  

Thứ hai: Có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển phát triển, hiện đại hóa đội tàu công suất lớn để nâng cao hiệu quả khai thác dài ngày trên biển; đồng thời có chính sách đặc thù hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ngư dân giàu mạnh tức là nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Thứ ba: Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến, bảo quản thủy sản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, chế biến các sản phẩm từ biển, khuyến khích hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.  

Thứ tư: Với lợi thế của một trung tâm lọc hóa dầu, Quảng Ngãi dự kiến quy hoạch 7 vị trí để đầu tư hạ tầng phục vụ dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, Quảng Ngãi đề nghị Trung ương sớm có chủ trương đưa khí vào bờ để tạo điều kiện đẩy mạnh tiến độ phát triển Khu Kinh tế Dung Quất.  

Thứ năm: Đối với huyện đảo Lý Sơn, đề nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một đô thị biển hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Thứ sáu: Ở nơi nào ngư dân sinh sống và sản xuất là thể hiện trên thực tế chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; vì vậy, cần tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trên các đảo và vùng ven biển, đảm bảo an sinh xã hội để người dân ra định cư lâu dài trên các đảo, nhất là những đảo có vị trí chiến lược về quốc phòng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển đảo. Ưu tiên đầu tư vốn cho các công trình phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.  

Thứ bảy: Đầu tư trang thiết bị, kỹ thuật quân sự hiện đại cho lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển để ngăn ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự vùng biển, bảo vệ ngư dân sản xuất trên biển; đồng thời sẵn sàng tác chiến thắng lợi trong mọi tình huống, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Kính thưa Đại hội.

Phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là một đại chiến lược của đất nước, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Quảng Ngãi sẽ nỗ lực cùng cả nước thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trở thành tỉnh mạnh từ biển, giàu từ biển; góp phần xây dựng đất nước Việt Nam thành một quốc gia mạnh về biển và tiến đến một cường quốc biển.   
 
Xin trân trọng cảm ơn!


 

.