(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 2.6.2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về “Chiến lược cải cách Tư pháp (CCTP) đến năm 2020”. Mục tiêu CCTP là xây dựng nền Tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cải cách tòa án và hoạt động xét xử là trung tâm của cải cách Tư pháp với khâu đột phá là mở rộng tranh tụng, dân chủ trong xét xử.
Triển khai Nghị quyết số 49-NQ/TW và Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020”, Ban Cán sự đảng TAND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ công tác CCTP trong TAND hai cấp của tỉnh.
Tăng cường công tác phối hợp
Trong giai đoạn 2010 - 2015, TAND hai cấp của tỉnh đã thụ lý 12.331 vụ án, giải quyết 11.623 vụ, đạt 94,2%. Quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án, TAND hai cấp luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Chất lượng xét xử không ngừng được nâng lên, số lượng bản án, quyết định bị hủy năm sau thấp hơn năm trước; tình trạng án tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án, án quá thời hạn... đã được tập trung khắc phục. Tỷ lệ giải quyết các loại án hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu giao; trong đó tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt và vượt chỉ tiêu quy định (95%); tỷ lệ hòa giải thành trong án dân sự, kinh doanh thương mại tăng.
Cán bộ, công chức TAND hai cấp của tỉnh được các cấp, ngành khen thưởng. |
Trong 5 năm qua, TAND tỉnh đã điều động 32 thẩm phán, 28 thư ký; luân chuyển, biệt phái 10 thẩm phán, 12 thư ký. Bên cạnh đó, bộ máy Tòa án được thay đổi theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, có hiệu lực vào ngày 1.6.2015. Theo đó, Tòa án sẽ được xây dựng theo bốn cấp, hướng tới tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp cơ sở. Đây là điều kiện thuận lợi để TAND hai cấp trong tỉnh thực hiện phương châm “Gần dân, hiểu dân, học dân, giúp dân” như Bác Hồ đã dạy cán bộ Tòa án. Ông Phạm Trung Uy - Chánh án TAND tỉnh. |
Công tác xét xử các vụ án trọng điểm, phức tạp được TAND hai cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. TAND hai cấp cũng đã quan tâm và làm tốt việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động, góp phần nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quần chúng nhân dân, phục vụ yêu cầu chính trị tại địa phương. Trung bình mỗi năm, TAND hai cấp đã tổ chức trên 100 phiên tòa xét xử lưu động.
Từ năm 2010 đến nay, số lượng các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính mà TAND hai cấp phải thụ lý, giải quyết tăng nhanh về số lượng; nội dung, tính chất, mức độ tranh chấp ngày càng phức tạp, nhiều vụ số lượng người tham gia tố tụng đông nên gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, TAND hai cấp cũng đã tập trung hướng dẫn các đương sự thực hiện đúng nghĩa vụ về cung cấp chứng cứ, tài liệu của vụ án; chủ động xác minh, thu thập chứng cứ trong những trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng. Do đó, chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều vụ án rất phức tạp đã được giải quyết, góp phần bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, TAND hai cấp luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, vừa giúp cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành chiếm trên 40% tổng số các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại đã giải quyết.
Đổi mới công tác xét xử
Thời gian qua, việc tổ chức phiên tòa xét xử theo tinh thần CCTP được TAND hai cấp trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc. Khi xét xử, TAND hai cấp luôn thực hiện đúng các nguyên tắc cơ bản và các quy định khác của pháp luật về tố tụng có liên quan. Với việc xác định đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa là khâu đột phá, trên cơ sở quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử đã thể hiện sự khách quan, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của các bên và tạo mọi điều kiện, đảm bảo cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ hợp pháp.
Ông Phạm Trung Uy - Chánh án TAND tỉnh, cho biết: Việc đổi mới tổ chức phiên tòa, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử không chỉ giới hạn ở các phiên tòa xét xử hình sự mà còn được áp dụng thường xuyên đối với cả các phiên tòa xét xử dân sự, hành chính. Các phán quyết của Hội đồng xét xử đã ngày càng bám sát thực tiễn xét xử tại phiên tòa, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với hoạt động của Tòa án địa phương.
Công tác giám đốc kiểm tra và thi hành án hình sự được Ban Cán sự đảng TAND tỉnh chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều biện pháp, cách thức thực hiện khác nhau.
Cùng với đó, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thẩm phán theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn của từng đơn vị, đảm bảo hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức được Ban Cán sự đảng TAND tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Đó chính là nền tảng để TAND hai cấp của tỉnh thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020.
ĐÌNH NGUYÊN