(Báo Quảng Ngãi)- Sáng 25.11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị (khóa X) về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang dự và chỉ đạo hội nghị.
Qua 17 năm thực hiện Chỉ thị 30, toàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức đoàn thể đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện QCDC; gắn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...
Qua tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chuyển biến tích cực; niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước được tăng cường, khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Qua 5 năm thực hiện Quyết định 290 của Bộ Chính trị (khóa X), đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nhận thức đầy đủ hơn vị trí, vai trò cũng như trách nhiệm của tổ chức mình trong công tác dân vận. Đến nay, 19 sở, ngành và 14/14 huyện, thành phố; 128/184 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết công việc hành chính liên quan đến tổ chức, công dân. Hầu hết Bí thư cấp ủy và thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh đều tổ chức tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân cũng như đối thoại với nhân dân qua kênh Phát thanh - Truyền hình tỉnh...
Hội nghị cũng chỉ ra những hạn chế và đề xuất những giải pháp để khắc phục những tồn tại, yếu kém, nâng cao hiệu quả việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Quang, nhấn mạnh: Công tác dân vận và thực hiện dân chủ không chỉ góp phần ổn định chính trị, an dân trong tình hình mới mà còn là giải pháp để Quảng Ngãi thực hiện mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Do đó, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Gắn thực hiện dân chủ với việc thực hiện Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) và Chỉ thị số 03, nhất là Nghị quyết 25 "về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới". Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của công dân. Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện QCDC ở cơ sở…
Thanh Thuận