(Báo Quảng Ngãi)- Một trong ba vấn đề cấp bách được nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) mà Đảng ta yêu cầu phải tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, đó là: Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây cũng là Nghị quyết thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Chuẩn hóa quy trình công tác cán bộ
Trong hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Từ những nhiệm vụ cần làm ngay mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ ra sau kiểm điểm, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đạt kết quả quan trọng. Công tác tổ chức, cán bộ được triển khai tương đối đồng bộ từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, nhận xét, đánh giá cán bộ và thực hiện chính sách cán bộ. Cùng với đó là cụ thể hóa, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ và tiêu chí chức danh cán bộ để công tác đánh giá cán bộ sát thực hơn. Đồng thời, tăng cường việc phối hợp nắm bắt thông tin về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của cán bộ nói chung, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý nói riêng, làm cơ sở cho việc nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ trao thưởng, chúc mừng các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị. Ảnh: T.L |
Một điểm nổi bật nữa là, công tác quy hoạch cán bộ của tỉnh gắn với quy hoạch cán bộ lãnh đạo chủ chốt các huyện, thành phố và công tác luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Điều chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm cán bộ tại Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XVIII); đồng thời rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, để đảm bảo phương châm “động” trong quy hoạch, tạo động lực cho cán bộ rèn luyện, phấn đấu, khắc phục tình trạng bị động, hẫng hụt trong công tác cán bộ.
Ban Thường vụ cấp ủy các cấp đã xem xét toàn diện, coi trọng đảm bảo tiêu chuẩn chức danh cán bộ, sự kế thừa giữa 3 độ tuổi, quan tâm cơ cấu cán bộ trẻ và cán bộ nữ, những nhân tố mới có triển vọng, mỗi chức danh quy hoạch có từ 2 - 3 cán bộ. Chú trọng công tác luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ trẻ để đào tạo, rèn luyện tác phong lãnh đạo, kiến thức, kinh nghiệm thực tế cho cán bộ; cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm đảm bảo tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, đảm bảo tính kế thừa, phát triển.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã kết hợp luân chuyển với việc thực hiện chủ trương bố trí cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương đối với 10 cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách (trong đó có 5 đồng chí về đảm nhiệm chức danh bí thư cấp huyện và 5 đồng chí không phải người địa phương). Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thành phố kịp thời điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuẩn bị một bước quan trọng, tạo nguồn nhân sự cấp uỷ nhiệm kỳ 2015-2020 và nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2016-2021.
Đánh giá cán bộ ngày càng thực chất hơn
Thời gian qua, công tác đánh giá, xếp loại cán bộ được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đảm bảo thực chất hơn. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn; lấy phiếu tín nhiện đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Kết quả, năm 2014, có 100% ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có số phiếu tín nhiệm cao đạt từ 50% trở lên; có 90 giám đốc, phó giám đốc và tương đương các sở, ban, ngành của tỉnh được lấy phiếu tín nhiệm và kết quả có 84/90 đồng chí đạt số phiếu tín nhiệm cao từ 50% trở lên.
Đánh giá kết quả 4 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Viết Chữ khẳng định: Thông qua việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, nhiều khuyết điểm, yếu kém của cán bộ, đảng viên được khắc phục có hiệu quả. Đặc biệt, với quyết tâm đổi mới công tác cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thực hiện khá đồng bộ và đến thời điểm này, có thể nói đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành của tỉnh đã được tập trung xây dựng đồng bộ cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng.
Cán bộ được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn và trưởng thành về nhiều mặt, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần trách nhiệm, có ý thức tổ chức kỷ luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao; nhiều đồng chí có sự đổi mới về tư duy, năng động, dám nghĩ, dám làm và quyết đoán trong công việc; sáng tạo trong vận dụng, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn, có kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành, được nhân dân tín nhiệm, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Đây chính là “cú huých” quan trọng, tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ thời gian qua.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu thì vẫn còn nhiều khuyết điểm, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện. Nguyên nhân, do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở chưa sâu; một số nơi chưa chủ động, tự giác, quyết tâm khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm. Vì vậy, để Nghị quyết tiếp tục đi vào cuộc sống, cần tiến hành đồng bộ 4 nhóm giải pháp, nhất là nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong tự phê bình và phê bình; trong công tác tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng.
Thanh Thuận