(Báo Quảng Ngãi)- Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã lãnh đạo, đưa cách mạng nước ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và đã để lại tài sản văn hóa tinh thần to lớn cho dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Trong hơn 85 năm qua, Chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta; soi đường cho cách mạng nước ta giành nhiều thắng lợi vĩ đại, vẻ vang. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và Nhân dân ta trong hơn 85 năm qua luôn gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã có mặt ở nhiều nước, tiếp xúc với nhiều lớp người thuộc nhiều dân tộc khác nhau. Thông qua hoạt động trong phong trào cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc, nghiên cứu Chủ nghĩa Mác- Lênin, học tập kinh nghiệm của các đảng cộng sản, Cách mạng Tháng Mười Nga… Người khẳng định “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Trên hành trình tìm đường cứu nước, tháng 7.1920 Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh đọc, tiếp cận Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa. Tháng 12.1920, Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người Cộng sản đầu tiên của Việt Nam.
Hồ Chủ tịch tại Đại hội đại biểu Đảng Lao động Việt Nam toàn quốc lần thứ 3 (1960). Ảnh: TL |
Sau khi tiếp thu Chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận thức được xu thế phát triển của thời đại, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh chỉ ra con đường cách mạng giải phóng dân tộc phải đi theo con đường cách mạng vô sản và cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới. Đồng thời xác định cách mạng ở chính quốc và cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa là “hai cánh của một con chim”, là hai dòng thác của trào lưu cách mạng thế giới.
Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của một nước thuộc địa, Hồ Chí Minh đưa ra một luận điểm mới: Cách mạng thuộc địa không phụ thuộc vào cách mạng ở chính quốc mà có thể tự lực đứng lên “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Do đó, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu ở những nước thuộc địa, phụ thuộc là tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc để tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Đầu năm 1941, Người về nước cùng với Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng ta quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu và cấp bách. Trên cơ sở nhận định, phân tích đúng đắn mâu thuẫn cao độ nhất của xã hội nước ta lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, quân phiệt Nhật và phong kiến tay sai. Vì vậy, xác định và đề ra nhiệm vụ cần tập trung giải quyết: “…Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”…
Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao giá trị to lớn của sức mạnh dân tộc, ngay từ năm 1924, Người đã nhấn mạnh: “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực to lớn của đất nước”…
Đồng thời theo Hồ Chí Minh, dân tộc được xác định trên lập trường của giai cấp công nhân, kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa yêu nước và quốc tế trong sáng, cao cả. Đây là một trong những đóng góp lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với hệ tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào cách mạng thế giới cũng như cách mạng Việt Nam. Bởi vì, với ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc không chỉ mang lại độc lập, thống nhất cho đất nước, mà phải mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho toàn dân. Vì vậy, Đảng ta và Hồ Chí Minh đã động viên, phát huy cao độ sức mạnh của động lực dân tộc và giai cấp; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và nhân loại tiến bộ để chiến thắng nhiều kẻ thù, thế lực ngoại xâm mạnh hơn gấp bội.
Đi theo con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, trên cơ sở kiên định những quan điểm có tính nguyên tắc, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin, Đảng ta lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo gần 30 năm qua đã đạt được những thành tựu to lớn và nhiều ý nghĩa sâu sắc. Đất nước, nhân dân Việt Nam đang tiến bước vào thế kỷ 21 đầy tự hào, tự tin, tuy ở phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Những thành quả qua các thời kỳ của cách mạng nước ta đã và đang khẳng định con đường cách mạng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, nhân dân ta đã tham gia đấu tranh, phấn đấu xây dựng, bảo vệ đầy hy sinh, gian khổ... là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tiến trình đi lên của nhân loại.
Kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân chúng ta cần tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, thiết thực; nhất là nội dung chuyên đề năm 2015: “Trung thực, trách nhiệm; gắn bó với nhân dân; đoàn kết xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”. Qua đó ra sức tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những cán bộ tốt, những con người mới có đủ phẩm chất đạo đức, tri thức, năng lực; đồng tâm, hiệp lực phấn đấu xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.
Tuấn Anh