(Báo Quảng Ngãi)- Cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ 11.3.1945 sản sinh ra Đội du kích Ba Tơ- tiền thân của LLVT Quảng Ngãi và Liên khu 5 được biết đến như là một biểu tượng của bản hùng ca về khát vọng tự do, độc lập và ý chí kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cộng sản. Đã 70 năm trôi qua, chiến công lẫy lừng ấy vẫn mãi vang vọng trong lòng dân tộc.
Kỳ 1: Xóa tan đêm trường nô lệ...
|
“Mỗi lần nghĩ đến ngày ấy, trong tôi luôn hiện hữu khuôn mặt hừng hực khí thế của từng đồng chí sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp vĩ đại của Đảng”, Trung tướng Nguyễn Đôn- nguyên Chính trị viên Đội Du kích Ba Tơ hồi tưởng khi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ của ông ở số 32A đường Phan Đình Phùng, Q.Hải Châu, TP. Đà Nẵng vào một ngày đầu xuân mới.
Khát vọng tự do
Bia lưu niệm nơi thành lập Đội du kích Ba Tơ. Ảnh: N.TRIỀU |
Trung tướng Nguyễn Đôn quê xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh), là một trong những đồng chí trực tiếp chỉ huy đánh chiếm đồn Ba Tơ cách đây 70 năm. Xuân này ông bước sang tuổi 97, nhưng bao năm qua ông vẫn dõi theo sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Nghe có khách từ Quảng Ngãi ra thăm mặt ông rạng ngời niềm vui. Vừa gặp mặt, ông vội hỏi: “Quảng Ngãi mình thế nào rồi?”. “Dạ! Quê mình phát triển rất nhiều”!- Tôi đáp. Nghe vậy, đôi mắt ông sáng ngời, vì lâu nay do sức khỏe yếu nên ông chưa có dịp về thăm quê. Thế rồi, ông ngước mặt nhìn về phía cửa, mắt nhìn về xa xăm như khắc khoải nỗi nhớ quê, nhớ đồng bào thuở cơm đùm cơm gói, củ sắn, củ khoai nuôi đội quân du kích Ba Tơ. Hơn 1 năm nay, Quân khu 5 cử hẳn một chiến sĩ túc trực ngày đêm chăm sóc ông.
Thông tin về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ giành thắng lợi nhanh chóng lan rộng, một cao trào tiền khởi nghĩa sôi động chưa từng thấy nổ ra khắp Quảng Ngãi và các tỉnh miền Trung, báo hiệu và mở màn cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi. Khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên giành được thắng lợi trọn vẹn dưới sự lãnh đạo của Đảng. |
Nhắc đến kỷ niệm 70 năm ngày Khởi nghĩa Ba Tơ, ông bảo rất muốn về thăm bà con sống ở quanh đồn Ba Tơ năm ấy, lên núi Cao Muôn gặp các già làng… “Đồng bào Kinh-Thượng đoàn kết nên khởi nghĩa thắng lợi”, ông quả quyết như vậy. Cả cuộc đời ông, lá cờ đỏ búa liềm treo trên ngọn cây trâm cổ thụ ở ao làng lần đầu tiên bắt gặp khi mới lên mười vẫn luôn in đậm trong tâm trí. “…Tôi thầm ước, sau này Đảng chủ trương đấu tranh vũ trang, dù có phải hy sinh xương máu… ta cũng giành được một mảnh đất, ở đấy con người được sống trong độc lập, hít thở không khí tự do và yêu thương nhau trong tình đồng chí, nghĩa đồng bào” (trích hồi ký của Trung tướng Nguyễn Đôn viết về những ngày đầu khi ông vào Đảng, năm 1938).
Trung tướng Nguyễn Đôn và nhiều đồng chí đã gắn cuộc đời mình với Khởi nghĩa Ba Tơ như một định mệnh, bởi sự hòa quyện đến mãnh liệt của chân lý cách mạng và khát vọng tự do. Theo lời kể của Trung tướng Đôn, khi bị giam cầm ở nhà lao Di Lăng, hay tin lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về biên giới, triệu tập hội nghị Trung ương, ra Nghị quyết Tám (năm 1941), trong đó kêu gọi thành lập Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng vũ trang, khi có thời cơ sẽ tiến hành khởi nghĩa, ông cùng với những người tù cộng sản vui mừng khôn tả. Đêm ấy, họ hát vang bài Quốc tế ca: “Vùng lên hỡi khắp nô lệ ở thế gian…”.
Bất khuất ở Căng an trí
Những năm 1939 - 1940, nhà tù ở Quảng Ngãi chật kín người tù cộng sản. Thực dân Pháp đày một số tù chính trị lên các nhà tù ở Kon Tum, ĐăkLăk; số còn lại và những người đã mãn hạn tù lên Căng an trí ở Ba Tơ và Di Lăng (Sơn Hà) để kiểm soát chặt hơn. Cuối năm 1941, địch chuyển đồng chí Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách từ nhà lao Di Lăng sang Căng an trí Ba Tơ. “Nấp sau cái vẻ buông lỏng ở căng an trí là âm mưu thâm độc của kẻ thù. Chúng muốn người tù an trí phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh mà quên đi việc hoạt động cách mạng”, Trung tướng Đôn hồi tưởng.
Các đồng chí lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ đang họp bàn kế hoạch. Ảnh: Tư liệu |
Mỗi lần bắt nhịp câu chuyện trong chặng đường đầy nguy hiểm, gian nan khi tìm cách liên lạc, gầy dựng cơ sở cách mạng, vận động quần chúng chờ thời cơ giành chính quyền, ông luôn nở nụ cười. Chiến sĩ cộng sản là thế đấy, luôn lạc quan, tin vào thắng lợi của cách mạng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mỗi người một việc, từ cắt tóc, chăn vịt, bốc thuốc bắc, đưa đò, đánh cá…, vừa lao động vừa bí mật hoạt động cách mạng. Đầu năm 1942, một tổ chức lãnh đạo cách mạng Ba Tơ được hình thành, gồm 3 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Đôn chủ trì. Tháng 4.1942, đồng chí Huỳnh Tấu, nguyên Ủy viên Thường vụ ban cán sự Nam Trung Kỳ từ nhà lao Buôn Ma Thuột được chuyển về Căng an trí Ba Tơ. Uỷ ban vận động cách mạng được thành lập. Chi bộ Đảng ra đời do đồng chí Huỳnh Tấu làm Bí thư.
Đến giữa năm 1943, đồng chí Phạm Kiệt bị địch đưa từ nhà lao Buôn Ma Thuột về quản thúc tại Căng an trí Ba Tơ. Năm 1944, từ các nhà tù trong nước các đồng chí Trương Quang Giao, Trần Quý Hai, Trần Lương cũng lần lượt bị đưa về Căng an trí Ba Tơ. Cuối tháng 12.1944, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập. Đồng chí Trương Quang Giao được cử làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời. Từ đó cơ sở cách mạng được gầy dựng rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Đồng chí Nguyễn Đôn ngày đêm in ấn tài liệu của Đảng để truyền đến các vùng. Ông lên núi Cao Muôn tìm gặp các già làng khét tiếng chống thực dân Pháp để vận động theo cách mạng. Bởi thế, dẫu đã 70 năm trôi qua ông vẫn không quên chuyện ở núi Cao Muôn. “Núi rừng Ba Tơ chủ yếu người Thượng sinh sống. Đồng bào rất tốt với anh em an trí, cùng anh em an trí làm cách mạng”, Tướng Đôn nói.
Chớp lấy thời cơ
Trung tướng Nguyễn Đôn đang hồi tưởng về cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: PV |
Lúc này, tại Ba Tơ, đồng chí Trần Toại (Bí thư chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Ba Tơ, được thành lập tại Trại Cày Bãi Ri, xã Ba Động) và các đồng chí khác vừa tập trung phát triển tổ chức, thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với các đồng chí ở căng an trí, vừa lo lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương. Nhật, Pháp bắn nhau vào ngày 9.3.1945 đã tạo thời cơ cách mạng, nên ngày 10.3.1945, Tỉnh ủy lâm thời triệu tập cuộc họp bất thường, vận dụng linh hoạt tinh thần Nghị quyết Trung ương Tám của Đảng, quyết định thực hiện ngay cuộc Khởi nghĩa cướp chính quyền ở Ba Tơ. Tỉnh ủy lâm thời phân công: Đồng chí Phạm Kiệt- Chỉ huy trưởng, Nguyễn Đôn- Chính trị viên, Nguyễn Khoách- Chỉ huy phó, cùng trực tiếp chỉ huy đánh chiếm đồn Ba Tơ.
Khoảng 17 giờ ngày 11.3.1945, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng ở Ba Tơ, hàng nghìn đồng bào Kinh, Thượng từ các ngả đường tay cầm giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tập trung trước Nha Kiểm Lý, hô vang: “Đánh đổ quân phiệt Nhật, tẩy sạch thực dân Pháp. Việt Nam độc lập. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm…”. Binh lính ngụy và tay sai tại Nha Kiểm Lý đều run sợ. Khi màn đêm buông xuống, 17 đồng chí ở căng an trí vùng lên cướp đồn với khí thế hừng hực như vũ bão và đã thành công. Giờ khắc vinh quang của cách mạng giữa núi rừng Ba Tơ đêm hôm ấy mãi được lưu truyền cho muôn đời sau. Vậy là sau đêm trường nô lệ, ngọn đuốc soi đường của Đảng đã thắp sáng niềm tin về một ngày mai tươi sáng của dân tộc ta, không còn cảnh áp bức, bóc lột lầm than.
Sáng 12.3.1945, tại sân vận động Ba Tơ, Ban chỉ huy cuộc Khởi nghĩa tổ chức Míttinh. Đồng chí Phạm Kiệt dõng dạt tuyên bố: “Chính quyền của địch và bọn tay sai ở đây đã bị đạp đổ. Cách mạng đã giành chính quyền”. Tiếp đến, đồng chí Nguyễn Đôn kêu gọi: “Lúc này hơn lúc nào hết, đồng bào hãy mau mau đoàn kết lại… hễ ai là dòng giống máu mủ của Việt Nam phải chung lưng đấu cật, góp tài, góp lực tham gia vào cuộc cách mạng giải phóng, đem lại sự độc lập chân chính cho nước nhà”. Niềm tự hào khi có Đảng, có chính quyền cách mạng tuôn trào như thác đổ trong lòng dân.
P.LÝ - N.TRIỀU - X.THIÊN
*Kỳ 2: Lời thề dưới tán rừng