Hai con người, một nhân cách

02:03, 31/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi- vùng đất địa linh nhân kiệt. Không ít người con của mảnh đất này được ghi danh trong lịch sử của dân tộc. Thế hệ cụ Trần Kiên (1920-2004) và Lê Tấn Tỏa (1924-2015)... cũng vậy. Dẫu nay cả hai cụ đã về nơi suối vàng, song khí chất trung kiên, liêm khiết, tinh thần hết lòng vì dân, vì nước của hai cụ vẫn mãi là tấm gương đối với thế hệ cán bộ hôm nay.

TIN LIÊN QUAN

Hơn 15 năm trong nghề, tôi vinh dự được hai cụ tiếp chuyện nhiều lần. Mỗi lần như thế không chỉ nói trong chốc lát mà kéo dài hàng giờ, với bao câu chuyện, xưa có, nay có và cả những mong ước vô cùng giản dị cho quê hương, đất nước mai sau: “Ước sao dân ta hết nghèo”. Cả hai cụ đều sinh ra ở những vùng quê nghèo của quê hương núi Ấn- sông Trà và sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Vinh dự hơn cả là hai cụ được Đảng nuôi dưỡng, giáo dục nên cả hai từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong những năm tháng chiến tranh và nhiều năm sau hòa bình.

Đồng chí Trần Kiên (thứ 3 từ phải sang) hướng dẫn đồng bào  dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chăm sóc cây cà phê.                  Ảnh: T.L
Đồng chí Trần Kiên (thứ 3 từ phải sang) hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chăm sóc cây cà phê. Ảnh: T.L


Trong dịp chuẩn bị Lễ kỷ niệm 30 giải phóng Quảng Ngãi, tôi vinh dự được cụ Lê Tấn Tỏa tiếp chuyện. Khi hỏi chuyện về người bạn chiến đấu- cụ Trần Kiên, cụ Tỏa nói: “Nói về anh Kiên, lớp cán bộ hồi đó và sau này luôn truyền tụng nhau câu: Muốn học thì theo ông Kiên”. Thấy tôi ngơ ngác, có vẻ chưa hiểu câu truyền miệng ấy, cụ Tỏa liền tiếp lời: “Cái học ở anh Kiên là sự trung kiên trong chiến đấu; thanh bạch, liêm khiết khi đất nước hòa bình. Sau khi thôi chức Bí thư Trung ương Đảng để nghỉ hưu, anh quyết định trả lại căn biệt thự hai tầng ở Hà Nội, về quê làm một căn nhà cấp 4 để ở. Anh cũng từ chối nhận ô tô khi Thủ tướng đề nghị cấp xe ô tô cho anh…”.

 Khí chất ấy được cụ Kiên  rèn luyện trong vô ngần cuộc chiến đấu trên khắp dải đất miền Trung và Tây Nguyên. Dấu chân cụ bước đến đâu, phong trào cách mạng bùng lên ở đó. Đặc biệt, sau ngày đất nước thống nhất, ông gánh vác những trọng trách lớn, làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Nghĩa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc.

Trong những năm tháng ấy, ông đau đáu nỗi lo với chuyện thiếu ăn, khát chữ của người dân, nhất là đồng bào miền núi, vì đã có thời gian dài nuôi và che chở cán bộ làm cách mạng. Đến khi giữ chức Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, rồi được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cụ cũng luôn để tâm lo lắng đến đời sống người nông dân. Khi có dịp nói chuyện với cán bộ địa phương, cụ Kiên luôn có câu: “Nông dân mình còn nghèo lắm!”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và chúc tết đồng chí Lê Tấn Toả, năm 2013. Ảnh: T.L
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm và chúc tết đồng chí Lê Tấn Toả, năm 2013. Ảnh: T.L


Từ khi nghỉ hưu đến những ngày tháng cuối cuộc đời, cụ cũng lăn lộn với công việc liên quan trực tiếp đến người nông dân, tìm mọi cách để giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Thậm chí, có lần về cơ sở thấy cây trồng của nông dân phát triển kém vì thiếu dinh dưỡng, ông về liền bớt đi một phần tiền lương hưu của mình để mua cây giống, phân bón... giúp đồng bào. Vì thế, nên người nông dân ở Quảng Ngãi nói riêng, đồng bào các tỉnh Tây Nguyên nói chung vô cùng quý mến và trân trọng những việc làm của cụ.

 Cụ Tỏa còn quả quyết: “Tính anh Kiên nóng nảy, nhưng anh em phê bình là anh lắng nghe, sai là anh sửa ngay, không bao giờ lấy quyền uy để sai cấp dưới. Những gì thuộc quyền lợi của nhân dân, của Đảng thì anh kiên quyết đấu tranh bảo vệ đến cùng”.

Còn cụ Lê Tấn Tỏa- người làng Trung An, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) tham gia cách mạng giữa năm 1945 và một năm sau được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì tiếng gọi non sông, nên bao nhiêu chuyện riêng tư của cuộc đời, kể cả khi có gia đình cụ gác một bên để lo chuyện đại sự cho quê hương, đất nước. Và thời khắc lịch sử của tỉnh Quảng Ngãi 40 năm về trước luôn khắc ghi tên cụ. Vì thế, ngày cụ còn sống, mỗi lần nhắc đến cái ngày huy hoàng ấy, gương mặt ông rạng ngời niềm vui của một người chiến thắng. “Ngày ấy, dân mình nô nức kéo về thị xã Quảng Ngãi, cờ đỏ sao vàng rợp bóng. Anh em cán bộ, chiến sĩ của ta siết tay nhau vui mừng khôn tả sau bao năm đương đầu với kẻ thù”, cụ Tỏa kể. Mà không vui sao được, ngày ấy với trọng trách là Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Ngãi, cụ Tỏa không thể không mong sớm có cái ngày toàn thắng đó của dân tộc.

Và rồi, cái ngày vui ấy của dân tộc được cụ cũng như nhiều cán bộ, chiến sĩ lúc bấy giờ đều tạm giấu trong lòng để đương đầu với “cuộc chiến mới” là khôi phục sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt, giữ gìn an ninh, trật tự. Ông Vũ Tùng Vi, lúc đó là Bí thư Huyện ủy Sơn Hà tham gia dự lễ mít tinh chào mừng ngày tỉnh nhà giải phóng, nhớ lại: “Sau khi đồng chí Lê Tấn Tỏa đọc diễn văn mít tinh ngày giải phóng và quyết tâm thư kêu gọi nhân dân đoàn kết, xây dựng lại quê hương dứt lời, cả rừng cánh tay trong sân vận động Diên Hồng giơ lên cùng hô vang khẩu hiệu: Không có gì quý hơn độc lập tự do; Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm…”.

Sự đồng lòng đó của người dân, cùng với sự sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ, trong đó có cụ Tỏa, nên tình hình an ninh trật tự những năm đầu giải phóng luôn ổn định, sản xuất được khôi phục trở lại, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Nói về công lao của cụ Tỏa, cụ Phạm Thanh Biền- Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nói: “Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm và 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, anh ấy đã nhiều lần gặp hiểm nguy, với 4 lần bị trúng B52 của địch, chịu nhiều gian lao khổ cực nhưng vẫn có một niềm tin chiến thắng. Dù đảm trách ở nhiều cương vị lớn, nhưng mọi cử chỉ, lời nói của anh luôn để lại ấn tượng đẹp trong lòng đồng đội, đồng chí. Anh còn là một tấm gương tận trung với Đảng, tận hiếu với dân”.

Vâng! Những con người ấy giờ đã đi xa, nhưng chắc chắn rằng vẫn là tấm gương sáng cho mỗi chúng ta.

PHÚ ĐỨC

 


.