Tạo niềm tin qua công tác tiếp dân

09:12, 28/12/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong năm 2014, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh đến cơ quan hành chính các cấp tăng gần 14% so với năm 2013. Tuy nhiên, nhờ đẩy mạnh công tác tiếp công dân, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của dân, nên trên địa bàn tỉnh không phát sinh điểm nóng về khiếu nại, tố cáo.

TIN LIÊN QUAN

Gặp để hiểu dân

Mặc dù số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo có tăng, nhưng nhờ công tác tiếp công dân có hiệu quả, nên chính quyền các cấp đã tạo được niềm tin trong dân. Điều này góp phần nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp. Tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh, mọi việc được chuẩn bị trước một cách chu đáo để có những trả lời thỏa đáng cho dân. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và UBND tỉnh, cùng các bộ phận tham mưu thực hiện tiếp dân đều khiến người dân khá hài lòng. Chủ tịch UBND các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đều ban hành và thực hiện công khai lịch tiếp công dân. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có quy định về tiếp công dân, xử lý đơn và thụ lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh. Đặc biệt, nhiều vụ khiếu nại phức tạp, đông người, vượt cấp đã được các cấp, ngành trong tỉnh xử lý quyết liệt, kịp thời và đúng các quy định của pháp luật.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô tiếp công dân tại huyện Bình Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Như Sô tiếp công dân tại huyện Bình Sơn.


Qua việc tiếp công dân định kỳ và đột xuất, lãnh đạo tỉnh có thể trực tiếp lắng nghe được tâm tư, nguyện vọng, cũng như những bức xúc, kiến nghị của người dân để kịp thời tháo gỡ, xử lý, yêu cầu các phòng ban liên quan báo cáo lại toàn bộ vụ việc trước sự chứng kiến của người dân, hoặc trực tiếp chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, rà soát lại thủ tục, hồ sơ pháp lý còn vướng mắc để giải quyết cho người dân. Như trong tháng 11.2014, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với người dân xã Hành Dũng (Nghĩa Hành), để lắng nghe và giải quyết vụ việc khiếu nại về đất rừng trên địa bàn xã kéo dài hơn 10 năm qua. Sau cuộc gặp gỡ, UBND tỉnh nhanh chóng thành lập Tổ công tác 1703 để xác minh, làm rõ việc quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp ở Hành Dũng. Từ kết quả của Tổ công tác 1703, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đã yêu cầu huyện Nghĩa Hành rà soát, lập phương án giao đất cho dân. Đến cuối tháng 12.2014, Tổ công tác 1703 phải có kết luận sơ bộ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong khi đó, từ khi được đối thoại với Thường trực Tỉnh ủy, người dân Hành Dũng không còn phát sinh đơn thư, khiếu kiện đông người. Hầu hết người dân từng tham gia khiếu kiện đều tin rằng, cách giải quyết của UBND tỉnh sẽ thấu tình, đạt lý. Tinh thần và trách nhiệm trong công tác tiếp dân, giải quyết sớm khiếu nại của tỉnh đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.

Tỷ lệ giải quyết phải trên 85%

Theo thống kê của UBND tỉnh, trong năm 2014, các cơ quan hành chính trong tỉnh tiếp hơn 4.200 lượt, với khoảng 4.600 người của trên 4.000 vụ việc, tăng gần 12% so với năm 2013. Nội dung tiếp công dân tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đất đai, trong đó số vụ việc khiếu nại về đất đai chiếm khoảng 73% tổng số vụ khiếu nại, phát sinh qua tiếp công dân. Qua tiếp công dân, việc xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt tỷ lệ chưa như mục tiêu đề ra là 85%.

Trong buổi làm việc với Thanh tra tỉnh và các sở, ngành liên quan mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ đã chỉ đạo: “Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân và công khai minh bạch kết quả tiếp công dân. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải được làm tốt ngay từ cấp cơ sở, chặt chẽ trong từng khâu giải quyết, hạn chế việc dân khiếu kiện vượt cấp.

Từ năm 2015 trở đi, các cấp, các ngành phải phấn đấu giải quyết đạt tỷ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh, trong đó tập trung, kiên trì và kiên quyết giải quyết dứt điểm số vụ việc phức tạp, tồn đọng. UBND tỉnh sẽ có biện pháp xử lý nghiêm đối với các ngành, địa phương không thực hiện tốt việc này”. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Viết Chữ cũng cho rằng, hoàn thiện thể chế pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tình hình hiện nay là việc rất cần thiết. Vì vậy, UBND tỉnh sẽ sớm ban hành quy định về tiếp công dân của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và cấp huyện; quy chế đối thoại trong giải quyết khiếu nại hành chính; quy chế phối hợp phòng ngừa và xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, ảnh hưởng an ninh trật tự và quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực.

Theo ông Lữ Ngọc Bình - Chánh Thanh tra tỉnh, để công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt hiệu quả cao, thì tỉnh cần thành lập và kiện toàn Ban Tiếp công dân trên cơ sở Phòng Tiếp công dân, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Khi đó, Ban Tiếp công dân tỉnh có chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân để tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân và tổ chức. Ban Tiếp công dân tỉnh đóng vai trò là đầu mối tiếp nhận, phân loại, đề xuất xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy trình của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân; đồng thời theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết của các cơ quan, đơn vị, báo cáo kết quả giải quyết cho lãnh đạo tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh.


Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.