(Báo Quảng Ngãi)- Với gần 20 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấu (quê ở làng Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) đã trải qua những chức vụ như: Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Ban Địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi; Bí thư Phủ ủy Bình Sơn (Bí thư Huyện ủy). Đồng chí đã 5 lần bị địch bắt giam đày trong ngục tù và chịu nhiều sự tra tấn dã man.
Đồng chí Huỳnh Tấu, nhân dân thường gọi là thầy Đẩu (gọi theo tên con gái đầu của đồng chí), sinh năm 1904, trong một gia đình nghèo có truyền thống hiếu học tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, một làng quê vốn có bề dày truyền thống đấu tranh cách mạng. Được học tại Trường Sơ đẳng Đông Yên (hết tiểu học), sau khi đậu Yếu lược, đồng chí Huỳnh Tấu theo học chữ Hán và học nghề thuốc Đông y khoảng 5 đến 6 năm do thầy Trần Kỳ Phong, một nhà cách mạng kỳ cựu ở Quảng Ngãi dạy. Chính trong thời gian được gần gũi cụ Trần Kỳ Phong, đồng chí đã sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng tiến bộ và hình thành bản chất kiên trung, gan góc của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1925, lúc 21 tuổi đồng chí tham gia hoạt động cách mạng, được phân công làm liên lạc viên của Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Ngãi. Năm 1926 đồng chí được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Năm 1928, đồng chí tham gia vào Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Bình Sơn.
Đến tháng 8.1928, trong lúc chuẩn bị thành lập tổ chức Đảng ở Quảng Ngãi thì đồng chí Huỳnh Tấu bị địch bắt cùng 19 đồng chí khác. Dưới chế độ lao tù hà khắc, tàn bạo của thực dân Pháp và bè lũ tay sai, nhưng bọn chúng cũng không khuất phục được ý chí kiên trung của người chiến sĩ cách mạng. Đồng chí Huỳnh Tấu được kết nạp Đảng trong nhà tù của địch, đến giữa năm 1930 được ra tù. Sau cao trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh (1930-1931), thực dân Pháp khủng bố dã man, tàn bạo, cách mạng Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn và bị tổn thất nặng nề. Hàng trăm cán bộ cách mạng và đảng viên trẻ bị bắt bớ, tù đày, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấu bị bắt lần thứ hai vào năm 1931 và bị quản thúc tại nơi cư trú. Cuối năm 1931, địch lại bắt đồng chí Huỳnh Tấu lần thứ ba và đến năm 1932 đồng chí được thả về.
Mùa Xuân năm 1932, sau khi ra tù đồng chí Huỳnh Tấu cùng các đồng chí Phạm Chương, Lê Luân tổ chức lại Phủ ủy lâm thời. Đồng chí Huỳnh Tấu làm Bí thư Phủ ủy (Bí thư Huyện ủy) và phụ trách tổng Trung.
Năm 1934, Tỉnh ủy Quảng Ngãi được củng cố, kiện toàn, đồng chí Huỳnh Tấu được cử làm Tỉnh ủy viên và cũng là Tỉnh ủy viên đầu tiên của huyện Bình Sơn.
Đầu năm 1934, đại biểu các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, triệu tập Hội nghị tại Hà Trung (Sơn Tịnh). Hội nghị đã bầu Ban địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ. Đồng chí Huỳnh Tấu được bầu vào Ủy viên Thường vụ Ban địa phương Chấp ủy Trung Trung Kỳ. Vào năm 1935, trong lúc Đảng bộ Quảng Ngãi chuẩn bị biểu dương lực lượng nhân ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 thì địch tiến hành đàn áp, truy lùng bắt bớ đảng viên, đàn áp cơ sở cách mạng. Nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy bị bắt, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấu.
Ngày 12.7.1935, địch mở phiên tòa kết án 44 đồng chí cộng sản, mà chúng gọi là “Vụ án Tái tổ Đảng Cộng sản Đông Dương” nhằm trấn áp tinh thần cách mạng. Đồng chí Huỳnh Tấu bị kết án 15 năm tù khổ sai, đày đi Lao Bảo. Ở Lao Bảo, đồng chí lại cùng các anh em tiếp tục đấu tranh đòi cải thiện chế độ trong nhà tù. Thấy vậy, chúng đày đồng chí lên nhà lao Buôn Mê Thuộc. Tại đây, đồng chí đã tranh thủ học tập, nghiên cứu, tiếp thu các nghị quyết Trung ương.
Mùa hè năm 1942, đồng chí Huỳnh Tấu cùng các đồng chí khác bị địch đưa về quản thúc tại Căng an trí Ba Tơ. Sau một thời gian nghỉ yên nhằm đánh lừa sự theo dõi của địch, đồng chí Huỳnh Tấu bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Đôn và đã tổ chức thành lập Chi bộ Đảng gồm 5 đảng viên. Đồng chí Huỳnh Tấu được cử làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ làm nhiệm vụ Tỉnh ủy Lâm thời, đồng thời lấy danh nghĩa là Ủy ban vận động cứu quốc Quảng Ngãi để hoạt động trong toàn tỉnh. Lúc này đồng chí Huỳnh Tấu mới đưa ra “kho tài liệu” mang từ Buôn Mê Thuộc về, gồm: Chương trình Việt Minh, tài liệu huấn luyện các đoàn thể quần chúng và bản tóm tắt Nghị quyết 8 của Trung ương.
Đây là những tài liệu được viết trên giấy Pơ-luya to bằng bàn tay, chữ nhỏ li ti, mà đồng chí phải mất nửa năm mới chuẩn bị xong, và được giấu trong bình đựng nước uống bằng ống tre hai đáy. Từ đó tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 và những thông tin về đồng chí Nguyễn Ái Quốc được truyền đạt, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Các cơ sở cách mạng lúc này dần dần được hồi phục.
Tháng 5.1943, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi được lập lại do đồng chí Huỳnh Tấu làm Bí thư. Tháng 6.1943 tại một hội nghị cán bộ do đồng chí Huỳnh Tấu chủ trì đã chủ trương phát động phong trào cách mạng trong toàn tỉnh, vận động quần chúng tham gia Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc để đánh đuổi Pháp - Nhật. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Huỳnh Tấu, chỉ trong 4 ngày từ 14 đến 17.7.1943 cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện và truyền đơn được rải từ Dốc Sỏi (Bình Chánh), An Điềm (Bình Chương), Cầu Cháy (Bình Hiệp), huyện Bình Sơn, Cầu Cát (phía nam thị xã Quảng Ngãi) đến núi Ấn (Sơn Tịnh), Núi Bút (thị xã Quảng Ngãi), cầu La Hà (Tư Nghĩa) và dọc đường xe lửa đến Quy Nhơn (Bình Định), Sông Cầu (Phú Yên).
Bọn địch vô cùng tức tối, đối phó bằng cách ráo riết truy lùng để bắt các đảng viên Cộng sản và cơ sở cách mạng. Đến tháng 8.1943, hầu hết các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi, trong đó có đồng chí Huỳnh Tấu, bị địch bắt và tra tấn dã man. Ngày 13.1.1945, đồng chí Huỳnh Tấu anh dũng hy sinh trong tù tại Ba Tơ, để lại nỗi mất mát và niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, đồng chí, đồng bào xã Bình Dương, huyện Bình Sơn và tỉnh Quảng Ngãi.
Thúy Loan