Thực hiện tốt chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số

02:11, 21/11/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là từ khi về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng, năm 1941, Bác Hồ có nhiều năm tháng công tác, sống và sinh hoạt cùng đồng chí và đồng bào các dân tộc thiểu số. Quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng của Người đối với các dân tộc thiểu số được thể hiện nhất quán trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta mà nhiều lần Người nhấn mạnh là “Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Bác Hồ luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Người coi trọng từ việc tuyên truyền đến giáo dục, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số để đồng bào có được ý thức đoàn kết và bình đẳng dân tộc, làm cho đồng bào hiểu được sự cần thiết phải xóa bỏ các thành kiến dân tộc, khắc phục những tập tục lạc hậu, chăm lo phát triển sản xuất để từng bước đưa đời sống đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo lạc hậu. Học tập và làm theo Người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực để ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS trong tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh, huyện thăm hỏi người dân vùng tái định cư thủy điện Hà Nang, xã Trà Thủy (Trà Bồng).
Lãnh đạo tỉnh, huyện thăm hỏi người dân vùng tái định cư thủy điện Hà Nang, xã Trà Thủy (Trà Bồng).


Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện hai Chương trình 134 và 135 của Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững 6 huyện miền núi” hàng loạt các kế hoạch về định canh, định cư và kinh tế mới, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội, khuyến nông - lâm - ngư để trợ giúp cho đồng bào các dân tộc, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn ngày càng khởi sắc.

Đến nay, 100% số xã vùng dân tộc, miền núi xe ô tô đã vào được trung tâm kể cả mùa mưa; trên 90% số hộ trong vùng đã được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 80% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống chợ, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các huyện miền núi đã được đầu tư xây dựng, đi vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả, góp phần mở rộng giao lưu, tiêu thụ hàng nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong khu vực…

Hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú cũng được đầu tư toàn diện để chăm lo đào tạo các con em dân tộc. Từ các chương trình, chính sách, dự án được triển khai, đời sống của đồng bào dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt: Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, mỗi năm giảm trung bình 4 – 5% (tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi đã giảm từ 60,87% năm 2011 xuống còn 41,57% đầu năm 2014); cơ cấu kinh tế khu vực dân tộc, miền núi của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng cơ sở được củng cố; công tác phát triển rừng và bảo vệ môi trường được quan tâm, thực hiện...

Tuy đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, nhưng phải thừa nhận rằng đời sống của phần lớn đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, chênh lệch về điều kiện sống; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm tương đối nhiều nhưng chưa thật sự vững chắc, nguy cơ tái nghèo cao…

Để tiếp tục tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trên địa bàn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, trong thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc miền núi, tận dụng và phát huy hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS toàn diện, nhanh, bền vững; đẩy mạnh giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các dân tộc; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa có giá trị… Để làm được điều này, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong việc chăm lo đến đời sống đồng bào DTTS và tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc.

Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng các loại hình kinh tế gắn với bảo vệ rừng; phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương nhằm quy hoạch, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện, lợi thế từng vùng; thực hiện tốt chế độ, chính sách, phát huy vai trò người có uy tín, góp phần triển khai thực hiện chính sách dân tộc và đảm bảo an ninh ở vùng DTTS; chủ động giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra “điểm nóng”, đặc biệt là khiếu kiện đông người; không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc.

Bài, ảnh: THANH THUẬN
 


.