(Báo Quảng Ngãi)- Chiều 30.9, Tổ khảo sát số 1 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do đồng chí Đinh Thị Loan - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Trà Bồng về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII về việc phát triển văn hóa, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng và công tác tái định cư thuộc dự án thủy điện Hà Nang.
Thời gian qua, huyện Trà Bồng đã tập trung ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy kinh tế phát triển. Toàn huyện có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là di tích Điện Trường Bà, di tích Cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, Di tích Trường Lũy. Huyện đã phục dựng các lễ hội hiến trâu, lễ hội ngã rạ, lễ cưới dân tộc Cor, đặc biệt là lễ hội Điện Trường Bà Thiên Y A Na; đồng thời sưu tầm truyện cổ dân gian dân tộc Cor, các trò diễn dân gian, nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ, nghệ thuật điêu khắc cây gur và cây nêu trong lễ hội. Toàn huyện có gần 820 người biết đánh chiêng,…
Tình hình đời sống người dân tái định cư thuộc Dự án thủy điện Hà Nang còn khó khăn, do chưa có đất sản xuất, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 88%. Huyện đang triển khai thực hiện công trình đường điện vào khu TĐC và đường giao thông tạm thời tới khu sản xuất với tổng kinh phí 15 tỷ đồng, xin chuyển đổi mục địch sử dụng 256 ha đất rừng để giao đất sản xuất cho dân.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan cùng các thành viên Tổ khảo sát đã đi tìm hiểu thực tế về đời sống của nhân dân tại khu TĐC thuộc dự án thủy điện Hà Nang và tìm hiểu việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor tại thôn 2, xã Trà Thủy.
Chiều cùng ngày, ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NN& PTNT, tổ phó tổ khảo sát số 1 làm trưởng nhóm đã về Ba Tơ khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân.
Theo báo cáo của huyện Ba Tơ, trong giai đoạn 2011- 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân của huyện khoảng 18%, tăng 4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng nông lâm -ngư nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Đến nay đã có 12.950 hộ được giao đất sản xuất nông nghiệp; 11.499 hộ được giao đất và giao rừng sản xuất, với diện tích 33.127ha. Có 7 tổ chức được giao đất, cho thuê đất, với diện tích 40.480ha. Theo đánh giá của huyện Ba Tơ, phần lớn diện tích rừng giao cho hộ, cá nhân quản lý bước đầu đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tổ chức, DN được giao đất rừng nhưng sử dụng không hiệu quả, hoặc chưa sử dụng thì tỉnh sớm thu hồi giao lại cho người dân chưa có đất sản xuất…
Tổ khảo sát cũng ghi nhận những kiến nghị của lãnh đạo huyện; đồng thời yêu cầu huyện cần rà soát, đánh giá lại mỗi hộ trên địa bàn huyện có bao nhiêu diện tích đất rừng và còn bao nhiêu hộ thiếu đất. Huyện cần định hướng cho người dân trồng xen ghép cây bản địa lấy gỗ với cây keo để nâng cao giá trị rừng trồng trên 1 đơn vị diện tích…
T.Thuận - Bá Sơn