"Thực hành dân chủ rộng rãi là chìa khóa vạn năng để tháo gỡ khó khăn"

05:08, 31/08/2014
.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Bác luôn nhấn mạnh điều này bởi trong tư tưởng của mình, Bác luôn tôn trọng, coi trọng dân

Lý giải về việc trong mỗi tác phẩm, mỗi câu nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: cán bộ đảng viên phải là người đầy tớ trung thành của dân, do dân và vì dân, GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng điều này có 2 ý nghĩa: Thứ nhất, Bác đề cao trách nhiệm của cán bộ Đảng viên và sau đó nó gắn với tính tiên phong, gương mẫu, xung phong để người dân noi theo. Nhưng sâu xa hơn cả, đó là vì Bác tôn trọng dân, coi trọng dân.

 

  Bác Hồ tặng quà cho các cụ già dân tộc thiểu số sống gần khu mỏ Apatit, Lào Cai (năm 1958) (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ tặng quà cho các cụ già dân tộc thiểu số sống gần khu mỏ Apatit, Lào Cai (năm 1958) (Ảnh tư liệu)


GS.TS Hoàng Chí Bảo phân tích: Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân; trên thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết quân dân; cho nên dân chủ là của quý báu nhất trên đời và thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để tháo gỡ, vượt qua mọi khó khăn.

“Muốn thực hiện được như vậy, cán bộ Đảng viên phải suốt đời nêu cao trách nhiệm với dân, Bác gọi là trọng dân trọng phát”, ông Bảo nói. Kính trọng lễ phép với dân, tất cả đều làm vì dân, không làm gì trái ý dân và phải luôn gần dân, hỏi dân, học dân để có thể thương dân, tin dân.

Theo Nhà báo Hà Đăng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm yêu thương và quan tâm lo lắng tới cán bộ và nhân dân lao động. Những câu chuyện như thế về Bác rất nhiều. Nhưng có một điều đặc biệt, mặc dù là một Chủ tịch nước, là chủ tịch Đảng, là người có cương vị lớn nhất của đất nước, của dân tộc; được nhân dân tôn kính, nhưng bản thân Bác không bao giờ cho mình được phép có bất cứ một đặc quyền đặc lợi nào.

Nhà báo Hà Đăng nhớ lại câu chuyện: “Tại chiến khu Việt Bắc năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch Biên giới. Anh em bảo vệ kiếm được một con ngựa và mời bác cưỡi. Bác nói: “Chúng ta có 7 người, giờ chỉ có 1 con, Bác cưỡi sao tiện”. Anh em khẩn khoản mãi, Bác không nỡ từ chối và nói: “Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo cho nó đỡ hộ ba lô, gạo nước, thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi, Bác mệt Bác cũng sẽ cưỡi”.

Một câu chuyện khác: “Đó là cuối năm 1961, Bác về thăm xã Vĩnh Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, một xã có phong trào trồng cây tốt. Bác nói chuyện với nhân dân huyện trên một ngọn đồi, đến gần trưa, trời nắng chang chang. Nhìn Bác đứng dưới trời nắng ai cũng băn khoăn. Chủ tịch huyện cho tìm một chiếc ô, giương lên che cho Bác. Bác quay lại hỏi: “Chú có đủ ô cho tất cả đồng bào không? Thôi cất đi. Tôi có phải là vua đâu”./.



Thanh Hà/VOV.VN


.