LTS: Tại Hà Nội, có đường Nguyễn Chánh-con đường mang tên một vị tướng tài ba-vị tướng không quân hàm. Con đường được xây dựng để ghi nhớ và khắc tạc tên tuổi, công trạng của người con quê hương Quảng Ngãi; người chiến sĩ cách mạng trung kiên; vị tướng tài đức song toàn, trọn đời chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng. Từng là người học trò và là cấp dưới của tướng Nguyễn Chánh, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1-8-1914/1-8-2014), tôi viết mấy dòng cảm tưởng, nhắc lại những dấu ấn về cuộc đời của con người được mệnh danh “Vị tướng không quân hàm”(!)
Bài 1: Tuổi thơ thông minh và chí lớn
Cha của Nguyễn Chánh là cụ Nguyễn Hàm Chức-người rất uy tín, từng là nghĩa quân của cụ cử nhân Lê Trung Đình. Sau khi cuộc khởi nghĩa đánh chiếm thành Quảng Ngãi không thành công, Lê Trung Đình bị bắt và bị xử chém, cụ Nguyễn Hàm Chức trở về xóm Vạn Đò thành lập một tổ chức làm bờ xe nước. Ông là một trưởng cự xe nước bậc thầy. Cứ sau vụ gặt, nông dân vui vẻ nộp thóc gạo cho chủ xe. Nhờ đó, ông có đủ lương thực để nuôi các chiến sĩ cách mạng. Hai người anh của Nguyễn Chánh là Nguyễn Tải, Nguyễn Độ cũng tham gia cách mạng, hoạt động bí mật cho Đảng từ tuổi 15. Các cậu của ông đều là học sĩ, tú tài nho học. Sống trong gia đình như vậy, Nguyễn Chánh sớm được giác ngộ cách mạng, trong đó phải kể đến những ảnh hưởng lớn và trực tiếp từ người mẹ của ông là bà Trương Thị Nhẫn và gia đình bên ngoại. Mẹ ông rất ham mê đọc sách, lại có khiếu làm thơ, nên dạy cho Nguyễn Chánh biết nhiều điều quý để làm người, làm cách mạng.
Tuổi thơ, Nguyễn Chánh tính tình điềm đạm, ăn nói rành mạch, lưu loát, có tài đối đáp, thông minh và rất ham học, ham làm. Nguyễn Chánh đặc biệt ham đọc báo Tiếng Dân. Khi có báo, ông đọc cho mọi người nghe chuyện cụ Phan Chu Trinh đã về nước, cụ Phan Bội Châu bị giam lỏng ở Huế; giải thích cho mọi người những tin bài khác đăng trên báo...
Năm 13 tuổi, một lần, mẹ của Nguyễn Chánh ra cho ông 4 chữ: “Quân-Sư-Phụ-Hữu” và bảo lấy ý đó thử làm một bài thơ. Suy nghĩ một lúc, Út Chín viết và đưa mẹ bài thơ có tựa đề: “Thơ gửi Mẹ”: Quân-Sư-Phụ-Hữu ấy vì ai?/ Chữ đó về con có một vai/ Vì nước, lao đao còn gánh nặng/ Vì thầy, bận việc phải xía vai/ Vì ơn cốt nhục, vàng không nhạt/Vì nghĩa đồng bào, đá chẳng phai/ Gánh nợ non sông thân bảy thước/ Ở sao cho trọn đạo làm trai. Mẹ Nguyễn Chánh hết sức xúc động, dự cảm bài thơ như một điềm báo trước, một ước hẹn về cuộc đời sau này của người con út.
Và quả thật, năm 14 tuổi, Nguyễn Chánh đã làm được một việc “động trời”, cứu cả gia đình trong lúc tối nguy. Chuyện rằng, địch “đánh hơi” được hoạt động của ta, tổ chức vây ráp bắt các chiến sĩ cách mạng. Trong lúc nguy cấp, mọi người chưa biết xử lý thế nào thì Út Chín nói: “Các anh chị theo em mau!”. Nguyễn Chánh lập tức đánh mấy con bò, dẫn các anh chị chạy theo con đường bí mật đã được cậu xác định từ trước. Không bắt được các chiến sĩ cách mạng, bọn hương lý vô cùng tức tối, chúng quyết tâm giăng lưới khắp nơi hòng bắt cho được "thằng nhỏ Út Chín", nhưng không thành.
Một hôm, anh Trương Quang Trọng, Bí thư tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội hỏi Nguyễn Chánh:
- Út Chín có dám làm liên lạc cho các anh không? Nhiệm vụ này nguy hiểm lắm, em có sợ không?
Không đắn đo, Nguyễn Chánh đáp:
- Em không sợ! Các anh giao việc gì em cũng làm, miễn là không hại nước hại dân. Muốn đánh đuổi được thằng Pháp mà sợ thì làm được gì nó…
Nghe Nguyễn Chánh nói vậy, anh Trọng tỏ vẻ hài lòng, nói: “Anh biết rồi. Anh đã nghe hai anh của em kể chuyện em đưa các anh chị cán bộ lên suối Ngỗ, lánh trên núi an toàn. Em giỏi lắm. Anh rất tin em”.
Thế là từ đó Nguyễn Chánh nhận nhiệm vụ làm liên lạc cho Đảng. Anh Trọng giao cho Út Chín mang tài liệu cho các huyện và đưa thư về cơ quan. Có lần Nguyễn Chánh giấu thư trong gánh bắp (ngô) và quảy đi. Về đến đầu cầu bờ bắc sông Trà Khúc, địch chặn lại và hỏi:
- Thằng nhỏ, gánh gì, để xuống khám!
Nguyễn Chánh bình tĩnh trả lời: “Thưa các thầy, cô em cho em ít bắp mang về cho mẹ em”.
Bọn chúng lục soát khắp người Nguyễn Chánh không thấy gì. Nguyễn Chánh mau miệng nói:
- Nhà em ở gần đây thôi. Vườn có nhiều mít, nhiều dừa lắm. Khi nào rảnh, mời các thầy đến chơi. Cha mẹ em được gặp các thầy sẽ vui mừng lắm.
Chúng sắp sửa lục soát gánh bắp. Nguyễn Chánh nhanh trí:
- Cô em cho cả rổ bắp non luộc ngon lắm, mời các thầy ăn cho vui.
Bọn lính xúm lại tranh nhau ăn bắp non luộc rồi ra hiệu:
- Thôi cho mày đi. Bữa sau còn qua đây, nhớ mang bắp non luộc nghen!
Nguyễn Chánh chuyển tài liệu và thư trót lọt, mừng hú vía.
Bước sang tuổi 15, Nguyễn Chánh được tham gia tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, được điều về công tác ở bộ phận tuyên truyền của cơ quan Tỉnh ủy. Đầu xuân 1931, tròn 17 tuổi, Nguyễn Chánh chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, bắt đầu cuộc đời mới của một con người tuổi nhỏ chí lớn.
Được tổ chức phân công công tác ở Ban Tuyên truyền, Nguyễn Chánh đã sớm trở thành một cán bộ cốt cán của cơ quan Tỉnh ủy. Ông được giao nhiệm vụ soạn thảo những bài diễn văn, trao đổi kinh nghiệm để các đồng chí đi diễn thuyết, vận động quần chúng đấu tranh cách mạng. Vốn có tầm hiểu biết rộng, có tài hùng biện, thấu hiểu sâu sắc cảnh đời của người dân mất nước, nên những buổi diễn thuyết của ông luôn thu hút nhiều người tham gia, tạo nên những phong trào hành động cách mạng sâu rộng ở địa phương.
Tháng 5-1931, Xô Viết Nghệ Tĩnh thoái trào, địch huy động cả lính lê dương tiến hành cuộc khủng bố trắng cực kỳ dã man. Cơ quan Tỉnh ủy bị triệt hạ và cơ sở đảng đổ bể khắp nơi. Nguyễn Chánh bị địch bắt, bị tra tấn đến bất tỉnh nhưng ông kiên quyết không ký vào bản án kết tội theo cộng sản và không khai bất cứ điều gì. Địch cho tay chân gian ác nhất treo Nguyễn Chánh lên đánh đập hai ngày liền, ông vẫn không một lời khai báo.
Ngày ấy, địch biến Nhà lao Quảng Ngãi thành địa ngục trần gian. Tù chính trị đã vào đây là sẵn sàng bị bắn bỏ. Để tránh sơ hở bị địch sát hại, Nguyễn Chánh bàn với đồng đội đấu tranh tập thể, tuyệt thực tập thể, la hét phản đối tập thể… buộc địch phải nhượng bộ. Ông góp phần biến nhà lao thành trường học. Ông dạy mọi người làm thơ Đường. Ông học tiếng Pháp để giao tiếp, gây thiện cảm với lính canh tù, đồng thời coi trọng giác ngộ tù nhân hình sự…
Mặt trận Bình Dân lên nắm chính quyền ở Pháp. Nhà lao Quảng Ngãi đấu tranh rất quyết liệt. Nguyễn Chánh được tha về giam lỏng, quản thúc ở địa phương. Ông kết hôn với bà Phạm Thị Trinh, một nữ đồng chí cùng tuổi, cùng hoạt động trong Ban Tuyên truyền, cùng bị bắt giam ở Nhà lao Quảng Ngãi.
Từ năm 1937 đến 1939, Nguyễn Chánh được Xứ ủy giao nhiệm vụ Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi, tiếp theo là Bí thư Liên tỉnh ủy Quảng Ngãi-Bình Định-Phú Yên. Ông động viên an ủi vợ cố gắng buôn bán lặt vặt kiếm tiền nuôi con, giữ vững đầu mối liên lạc của Đảng, che chở các đồng chí lui tới nhờ sự giúp đỡ. Còn ông, ông phải xa nhà. Nguyễn Chánh đóng vai người đi buôn đường khá sành sỏi, ngược xuôi vào Nam ra Bắc nhận chỉ thị, nhiệm vụ của trên. Bằng các hình thức đấu tranh bí mật, công khai phong phú, sinh động, Nguyễn Chánh đã góp phần phục hồi sức sống của Đảng ở vùng Nam Trung Bộ.
Mặt trận Bình Dân ở Pháp thất thế. Năm 1939, Nguyễn Chánh bị bắt vào tù lần thứ hai và năm 1941 bà Trinh cũng lần thứ hai bị tống giam vào Nhà lao Quảng Ngãi. Trong ngục tối, được tiếp xúc với các bạn tù chính trị từng trải, dạn dày như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Trần Hữu Dực, Lê Tự Đồng, Trần Văn Quang, hai ông Hồ Tùng Mậu, Trương Quang Lệnh… từng được học trường quân sự Hoàng Phố ở Trung Quốc, Nguyễn Chánh hết sức chăm chỉ học tập lý luận Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối, chính sách của Đảng, học quân sự, văn hóa…
HỒ NGỌC SƠN
Bài 2: Nhà lãnh đạo xuất sắc, toàn diện