(Báo Quảng Ngãi)- Là xã ven biển, Phổ Thạnh (Đức Phổ) có số dân đông nhất trên địa tỉnh với trên 25.000 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng ngành nghề truyền thống là làm muối và đánh bắt xa bờ. Hướng vào nội dung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm gần đây, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Với phương châm hoạt động hướng mạnh về địa bàn khu dân cư - nơi đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đồng thời cũng là nơi tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các Cuộc vận động lớn của Mặt trận như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực, có ý nghĩa thực tiễn, sâu sắc đến cuộc sống cộng đồng.
Mặt trận xã tổ chức thăm hỏi gia đình ngư dân. |
Nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, đã khơi dậy những nét đẹp truyền thống, động viên bà con thực hiện quy ước, hương ước, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ; tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, duy trì các lễ hội truyền thống. Hằng năm, 100% khu dân cư ký cam kết thực hiện phong trào an toàn giao thông; bảo vệ môi trường; toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phòng chống tội phạm ma túy; mại dâm HIV/AIDS; xây dựng nông thôn mới…
Vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18.11) hằng năm, 100% khu dân cư đều tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cả phần lễ và phần hội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham dự. Thông qua cuộc vận động, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt trong cộng đồng dân cư, phát huy sức dân và tinh thần tự quản ở mỗi khu dân cư, phấn đấu thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.
Đồng chí Dương Ngọc Vân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận xã Phổ Thạnh cho biết: Trong nhiệm kỳ qua, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã triển khai nhiều hoạt động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Hội Phụ nữ tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hưởng ứng phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, phong trào “5 không, 3 sạch”, Hội CCB phường phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, giữ gìn ANCT-TTATXH ở cơ sở, Hội Nông dân với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi…
Ngoài ra, thông qua các dự án vay vốn để hỗ trợ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, đoàn viên đã góp phần đáng kể vào chương trình, mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Năm 2013, bình quân thu nhập đầu người ở xã Phổ Thạnh đạt gần 18 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,7%. Hiện toàn xã có gần 1.000 chiếc tàu đánh bắt cá, là địa phương có số lượng tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ lớn nhất huyện Đức Phổ và đã thành lập nghiệp đoàn nghề cá tại đây. Biển đã cho người dân Phổ Thạnh nhiều thứ, từ nhà cửa, cơm áo đến chuyện học hành của con cái. Bình quân mỗi năm, với nghề truyền thống đánh bắt hải sản xa bờ, ngư dân Phổ Thạnh đã mang về 60 - 70% tổng thu nhập của xã, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xóa nghèo, giải quyết việc làm, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương. Ngoài ra, xã Phổ Thạnh cũng phát triển nhiều mô hình liên kết phục vụ nghề cá, như: Hình thành 26 cơ sở thu mua, chế biến thủy sản; thành lập một Hợp tác xã và 2 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; một Hợp tác xã khai thác dịch vụ hậu cần nghề cá… đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu của ngư dân trong việc tiêu thụ và đánh bắt hải sản, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Mặc dù, hơn một tháng nay việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ảnh hưởng đến việc đánh bắt cá của ngư dân địa phương và gây khó khăn cho gia đình, người thân của các ngư dân đang đánh bắt ngoài biển. Song, mặt trận và các tổ chức đoàn thể từ xã đến thôn đã tích cực tuyên truyền, giải thích và tổ chức nhiều đợt thăm hỏi các gia đình ngư dân giúp họ yên tâm bám biển để vừa làm giàu cho gia đình, vừa bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: Thanh Thuận