Thảo luận dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

01:05, 16/05/2014
.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
 
Tiếp tục phiên họp thứ 28, sáng nay (16/5), các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch  Việt Nam. Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

So với Luật hiện hành, dự thảo Luật tổ chức Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp 2013.
 

  (Ảnh: TTXVN)
(Ảnh: TTXVN)

 

Tuy nhiên, qua thảo luận, một số ý kiến cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cần được bổ sung nhiều quy định đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cụ thể hóa hơn nữa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Các đại biểu cũng nhất trí việc bổ sung quyền và trách nhiệm cho đại biểu Quốc hội.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng: “Chúng ta có hai nhóm đại biểu là hoạt động chuyên trách và không chuyên trách. Do đó phải nghiên cứu thêm đại biểu chuyên trách có quyền ưu tiên gì trong quá trình vừa làm việc chuyên môn vừa làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Tôi đề nghị phải nghiên cứu quy định trong Luật này quyền ưu tiên, để khi có công việc chồng lấn thì người đại biểu Quốc hội lựa chọn công việc đại biểu Quốc hội là đầu tiên”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần giữ số lượng Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội như hiện nay. Thực tế cho thấy, hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đang góp phần không nhỏ vào thành công của Quốc hội trong giai đoạn vừa qua, phát huy một cách tích cực sự tham gia của đại biểu Quốc hội vào hoạt động chung của Quốc hội.

Đa số ý kiến nhất trí với đề xuất về đổi tên cũng như điều chỉnh lại việc phân định lĩnh vực phụ trách của một số Ủy ban của Quốc hội quy định trong dự thảo Luật như Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục.

Cũng trong sáng nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 Luật quốc tịch Việt Nam./.



Minh Châm-Lại Hoa/VOV


.