Quốc hội đồng tình chính sách BHYT bắt buộc

05:05, 22/05/2014
.

Đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị có chế tài xử phạt đủ mạnh với những đối tượng trốn tránh không mua BHYT bắt buộc.
 

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7 này.

Thảo luận về những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với dự thảo luật quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc để đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Bên cạnh đó, tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; quy định về bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội trong Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân; hay quy định đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá đối với quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá...

Để đảm bảo tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, các ý kiến đại biểu đề nghị Nhà nước phải tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bố trí nguồn lực đảm bảo, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB), đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để vừa khuyến khích, vừa hỗ trợ người dân chủ động tham gia BHYT, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình mình và xã hội; đồng thời, tổ chức để người dân có thể tiếp cận và đóng BHYT theo hộ gia đình được thuận lợi tại tất cả các địa bàn trên phạm vi cả nước.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình), Nguyễn Thị Thu Hằng (đoàn Nam Định) đề nghị cần quy định chặt chẽ đảm bảo tính khả thi và nghiêm minh và có chế tài xử phạt đủ mạnh đối với trường hợp trốn tránh không đóng bảo hiểm y tế bắt buộc; song song với đó cũng cần đơn giản hóa thủ tục mua bảo hiểm y tế, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đặc biệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, linh hoạt để mọi người dân có thể tiếp cận khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thu hút đông đảo người dân tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính và Nguyễn Thị Thu Hằng cũng bày tỏ sự đồng tình nhất trí cao với việc khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, cho rằng hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ góp phần khắc phục được tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia bảo hiểm y tế, bên cạnh đó tăng thêm nguồn lực cho quỹ bảo hiểm y tế, thể hiện sự chia sẻ cộng đồng, tình thần tương trợ, giúp đỡ người người khó khăn, hộ gia đình khó khăn.

Nhiều ý kiến đại biểu không đồng tình với đề nghị bỏ quy định tuyến KCB, người tham gia BHYT được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi đi KCB tại bất kỳ cơ sở y tế nào, bởi theo quy định pháp luật hiện hành, trường hợp cấp cứu, người bệnh có thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào để KCB và được quỹ BHYT chi trả. Với các trường hợp không phải cấp cứu thì sẽ theo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế từ thấp đến cao, quy định này nhằm tiết kiệm chi phí đi lại cho người dân, đồng thời góp phần sử dụng quỹ BHYT hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, quy định như trong dự thảo Luật về tuyến KCB đối với người tham gia BHYT là tương đối hợp lý.

Việc người có thẻ BHYT có thể đi đến bất cứ bệnh viện tuyến nào để KCB và được quỹ BHYT chi trả toàn bộ thường chỉ áp dụng với BHYT tư nhân/thương mại, vì đó là loại mức phí phải đóng rất cao và chỉ bảo hiểm một số loại bệnh nhất định. Hiện nay, các bệnh viện ở nước ta chưa đồng đều về trình độ chuyên môn kỹ thuật y tế, nếu bỏ quy định về tuyến vào thời điểm này là chưa phù hợp.

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (đoàn Đăk Nông) chia sẻ, chúng ta không ủng hộ khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến nhưng trên thực tế không thể ngăn được người dân khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến, trong đó có lý do chính do chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới không đạt yêu cầu. Bà Hạnh cũng đề nghị không quy định về bỏ tuyến khám chữa bệnh ở thời điểm này./.



Thanh Hà/VOV online


.