Vài suy nghĩ về công tác đánh giá cán bộ

08:04, 11/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ  của Đảng bộ tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực. Tính tự giác của cán bộ được nâng lên rõ rệt. Kết quả đánh giá cán bộ thực chất hơn, tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, đoàn kết nội bộ tốt hơn; có sự thống nhất nội dung đánh giá cán bộ với đánh giá chất lượng đảng viên...

Có được kết quả đáng mừng đó là do các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung  triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết TƯ4 (khóa XI), Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt Quy chế nêu gương, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Qua đợt nhận xét, đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2013 chỉ có một đồng chí được xếp loại hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ, các đồng chí còn lại đều tự nhận và được tập thể xếp loại hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Điều này thể hiện tính tự giác, tính gương mẫu của các đồng chí trong Ban Thường vụ rất cao. Ở các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh, nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cũng tự xếp loại ở mức khiêm tốn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết TƯ4 (khóa XI), tính tự giác, tính gương mẫu của cán bộ chưa cao, chưa nhận rõ những khuyết điểm, hạn chế của mình trong việc lãnh đạo, quản lý, trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có một số nơi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng tham nhũng, lãng phí, nội bộ mất đoàn kết… vẫn còn diễn ra, nhưng cán bộ lãnh đạo vẫn tự nhận mình hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ. Trong tập thể vẫn còn tình trạng nể nang, xuê xoa, chạy theo thành tích, nên không mạnh dạn chỉ ra khuyết điểm, hạn chế của đồng chí mình. Từ đó, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất, do vậy công tác này vẫn là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ của Đảng.

Để công tác nhận xét, đánh giá cán bộ trong thời gian tới đi vào nền nếp, đúng thực chất, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt Nghị quyết TƯ4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không  được làm. Cần có sự thống nhất về nhận thức và phương pháp thực hiện, trong đó sự gương mẫu của người đứng đầu là rất quan trọng. Phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá cán bộ, kết hợp việc rèn luyện đạo đức, lối sống, uy tín của cán bộ, công chức nơi công tác và của nhân dân nơi cư trú.

Nhận xét, đánh giá cán bộ phải trên tinh thần xây dựng, tăng cường sự đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ, tính tự giác của mọi người, không hẹp hòi, định kiến, cảm tình, nể nang. Đánh giá cán bộ phải theo quan điểm của Hồ Chí Minh “Không sợ khuyết điểm, chỉ sợ không biết sửa chữa khuyết điểm”; thực hiện phương châm đoàn kết, xây dựng, lấy xây làm chính. Phải dựa vào quan điểm lịch sử, quan điểm phát triển mà đánh giá cán bộ. Những khuyết điểm trước đây người ta đã sửa chữa và tiến bộ thì không nên nhắc lại. Những người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải được tôn vinh và có chính sách ưu đãi. Những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật phải được kiểm điểm nghiêm túc và theo dõi, giúp đỡ để người ta có hướng khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.

Đánh giá cán bộ là một vấn đề hết sức hệ trọng và rất tế nhị, nhạy cảm, phức tạp. Nó chẳng những là khâu mở đầu quyết định để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ đúng hay sai mà còn là một nhân tố dễ gây ra những tâm tư, thắc mắc, mất đoàn kết nội bộ. Do đó, công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại cán bộ phải thật sự khoa học, khách quan, công tâm, theo một quy trình chặt chẽ, dân chủ.
           

Võ Ngọc Thạch
 
 


.