Cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Võ Phấn qua hồi ký: "Tôi đi làm cách mạng"

06:04, 19/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 16.4, khi ông mặt trời bắt đầu ngả bóng về chiều thì cũng là lúc cán bộ, nhân dân Quảng Ngãi đón nhận một tin buồn. Đó là, đồng chí Võ Phấn (tức Võ Văn Nghị)- Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi ra đi về với cõi vĩnh hằng vừa tròn 100 tuổi. Đồng chí tham gia cách mạng từ rất sớm (1930) và 7 năm sau vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí là một trong số 17 thành viên đầu tiên của Đội du kích Ba Tơ oai hùng một thời; một người cán bộ đảng viên kiên trung, bất khuất, tận tâm, tận lực với sự nghiệp cách mạng, với quê hương, đất nước. Sự ra đi của đồng chí đã để lại trong lòng cán bộ và các tầng lớp nhân dân Quảng Ngãi niềm tiếc thương vô hạn.

Nghe tin đồng chí mất, tôi liền lật giở đọc từng trang của cuốn hồi ký “Tôi đi làm cách mạng” của đồng chí Võ Phấn do Hội VHNT Quảng Ngãi xuất bản năm 2012 như để hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của ông. Và tôi thật sự cảm động khi đọc đến đoạn “…Giờ đây, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc và nhân dân, trở về với cuộc sống đời thường, tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng, không có điều gì phải ân hận hối tiếc”. Thật vậy, cả cuộc đời đồng chí sống vì Đảng, vì nhân dân, vì sự phát triển phồn vinh của tỉnh nhà…

 

Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Võ Phấn (năm 2012).
Bí thư Tỉnh ủy Võ Văn Thưởng trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Võ Phấn (năm 2012).


Năm 2012, cuốn hồi ký “Tôi đi làm cách mạng” của đồng chí Võ Phấn do Hội VHNT Quảng Ngãi xuất bản, hoàn thành sau 10 năm với sự trợ giúp đắc lực của người con gái đầu là bà Võ Thị Tuyết Sương. Mở đầu cuốn hồi ký “Tôi đi làm cách mạng”, đồng chí viết: “Mỗi người đều có mong ước là trước khi bước sang thế giới bên kia sẽ để lại những gì cho con cháu.

Có người suốt đời làm lụng vất vả cho con ăn học, mong con sau này có cuộc sống đỡ vất vả hơn mình. Cũng có không ít người cố gắng làm giàu, để của cải lại cho con cháu. Còn tôi không có tài sản, của cải gì để lại cho các con, mà đã nhiều năm tôi ấp ủ nguyện vọng hoàn thành quyển hồi ký về cuộc đời tôi trước khi về với tổ tiên. Tôi mong muốn qua hồi ký này, các thế hệ con cháu của tôi sẽ hiểu rõ về truyền thống yêu nước chống ngoại xâm của dòng họ cũng như cuộc đời của ông, cha mình, những con người vắt ngang hai thế kỷ đã gắn liền với lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam từ khi đế quốc Pháp xâm lược nước ta… Để từ đó, mỗi người tự suy nghĩ về bản thân mình trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cho dù môi trường sống có thay đổi như thế nào thì cũng phải giữ được cái gốc của người Việt Nam…”. Nay đồng chí ra đi chắc chắn lòng sẽ thanh thản, bởi những ước nguyện của đồng chí giờ đã và đang thành hiện thực, quê hương Quảng Ngãi không ngừng phát triển.  
 

“Đi theo Đảng từ năm 15 tuổi, tôi đã trải qua biết bao công việc lớn, nhỏ, thuận lợi, khó khăn, dù ở vị trí cao hay thấp, bất kỳ nơi đâu, làm gì, tôi cũng lấy lời dạy của Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho hành động của mình. Đó là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; “trung với nước, hiếu với dân” của người cán bộ, đảng viên. Đó là điều làm tôi vui sướng và hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm cách mạng của mình. Giờ đây tôi đã hoàn thành nhiệm vụ đối với Tổ quốc và nhân dân, trở về với cuộc sống đời thường, tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản, nhẹ nhàng, không có điều gì phải ân hận hối tiếc”.
Trích hồi ký “Tôi đi làm cách mạng” của đồng chí Võ Phấn

Như một lời tự sự, đồng chí viết: “Với đồng chí, bạn bè, tôi không có ý đề cao mình mà chỉ mong được sự chia sẻ, hiểu biết và quý mến nhau hơn”. Cuốn hồi ký “Tôi đi làm cách mạng” với trên 160 trang được chia làm 9 giai đoạn. Đó là “Thời thơ ấu” - đồng chí sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông sống cảnh đời nô lệ với hai tầng áp bức. Ở tuổi thành niên đã sớm giác ngộ cách mạng, về lý tưởng cao đẹp và mục tiêu đấu tranh của các chiến sĩ cộng sản, tình yêu thương đồng bào sâu nặng khi chứng kiến những hành động giết hại đồng bào ta của thực dân Pháp và chính quyền Nam Triều. Đó là, “Những bước đi đầu tiên trên con đường cách mạng” khi đồng chí chính thức đứng vào hàng ngũ với những người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1937). Đồng chí cùng với các đồng chí Nguyễn Chánh và Nguyễn Thành Nghi thành lập chi bộ đảng đầu tiên của huyện Sơn Tịnh. Nhiệm vụ của đồng chí trong giai đoạn này là phát triển đảng viên mới, xây dựng chi bộ, đồng thời tổ chức Hội truyền bá sách báo và tài liệu tuyên truyền về Đảng Cộng sản trong tầng lớp thanh niên và trí thức tiến bộ ở nông thôn.

Và trên chặng đường ấy, đồng chí cũng gặp phải những thử thách đầu tiên khi đồng chí bị bắt về nhà lao của tỉnh năm 1939. Suốt 3 tháng bị tra khảo, đánh đập dã man, đồng chí vẫn cương quyết không khai báo, bảo vệ an toàn cho 13 tổ chức cơ sở đảng do đồng chí thành lập. Mặc dù bị án khổ sai 3 năm tại nhà lao Trà Bồng nhưng cũng tại đây, đồng chí đã gặp được nhà chiến sĩ yêu nước Nguyễn Công Phương và biết thêm về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, tinh thần bất khuất của đồng bào các dân tộc Hrê, Cor, Ca Dong ở miền Tây Quảng Ngãi.

Dấu ấn trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí là khi “Tham gia khởi nghĩa Ba Tơ” từ năm 1942 sau khi mãn hạn tù và chuyển lên Căng an trí Ba Tơ. Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11.3.1945) thành công chỉ hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, kết thúc giai đoạn của cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng chống ách thống trị của thực dân Pháp cấu kết với bọn phong kiến, là một chấm son mãi mãi thắm đỏ trong truyền thống đấu tranh cách mạng của Quảng Ngãi cũng như cả nước. Sau đêm 11.3.1945 khởi nghĩa thắng lợi, Đội du kích Ba Tơ được thành lập tại Hang Én (xã Ba Chùa) vào ngày 15.3.1945 gồm 17 đội viên, trong đó đã có 5 người trong cùng một gia đình của đồng chí Võ Phấn. Sau này Trung ương đã đánh giá “Đội du kích Ba Tơ tuy chỉ là một đội quân nhỏ và tồn tại không lâu, nhưng thật sự là lực lượng vũ trang tiền thân của Liên khu V và là một trong những đơn vị tiền thân của quân đội nhân dân Việt Nam”.

Đặc biệt, trong hồi ký này đồng chí Võ Phấn còn kể những phút giây được gặp Bác Hồ và những lời dặn dò của Bác, luôn được đồng chí khắc sâu vào lòng: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi được ngồi gần Bác, được Bác ân cần thăm hỏi và giao nhiệm vụ cho chúng tôi. Bác cũng không quên căn dặn, nhắc nhở nhiều điều cần thiết đối với một cán bộ lãnh đạo Đảng “phải gần gũi, lắng nghe ý kiến của đồng chí và quần chúng, phải luôn tự rèn luyện về lòng trung thành với Đảng, hiếu với dân…Đến hôm nay, tôi truyền lại cho con cháu những điều tốt đẹp mà tôi được thừa hưởng từ Bác Hồ và luôn khuyên bảo con cháu: Chỉ cần có ý thức học và làm theo đạo đức của Bác Hồ thì mỗi người chúng ta mới tự hoàn thiện mình được”.

Sống tròn một thế kỷ, với hơn 75 năm tuổi Đảng, với những cống hiến của mình cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Võ Phấn đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Dẫu biết ngày này rồi cũng sẽ đến nhưng trong mỗi chúng ta vẫn thấy xúc động và tiếc thương cho sự ra đi của đồng chí.


Bài, ảnh: Thanh Thuận
 


.