Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vĩ nhân của thời đại

03:10, 11/10/2013
.

Đó là khẳng định của Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ Khoa học Quân sự Nguyễn Huy Hiệu, người có nhiều kỷ niệm xúc động, sâu lắng về vị Anh hùng dân tộc.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nghẹn ngào khi nhớ lại giờ khắc nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh Cả của Quân đội ta, một nhân vật lớn của thời đại, ra đi: “Vẫn biết rằng đời người ai rồi cũng phải kinh qua quy luật: Sinh-lão-bệnh-tử, nhưng khi nghe tin Đại tướng về cõi vĩnh hằng, tôi vẫn không khỏi bàng hoàng xúc động và nhớ thương khôn xiết”!

 

  Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vĩ  tướng Văn-Võ song toàn. Ảnh: Trần Hồng.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vĩ tướng Văn-Võ song toàn. Ảnh: Trần Hồng.


“Thuộc thế hệ sau, được chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam nên tôi có nhiều lần vinh dự tiếp kiến Đại tướng và có nhiều kỷ niệm sâu sắc với Đại tướng, một nhà chiến lược tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam, một kiến trúc sư về nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.

Hình ảnh của một vị tướng cương trực, bản lĩnh trên chiến trường luôn là những hình ảnh đẹp trong ký ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Năm 1975, ông đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, từ Tam Điệp nhận lệnh hành quân thần tốc vào Đông Hà, làm dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng; sau đó hành quân qua đèo Ăng-bun trên đường Trường Sơn vào tập kết ở Đồng Xoài, Đông Nam Bộ chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam. Lúc đó là vào mùa khô hanh. Đường Trường Sơn bụi mịt mù phủ lên mọi vật như một lớp tuyết màu đỏ sậm, có những đoạn bụi lầy dày gần một mét, cán bộ, chiến sĩ đang vô cùng mệt mỏi, khát nước. Đúng lúc ấy, đơn vị nhận được bức điện của Đại tướng: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ. Xốc tới miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng!” Sau khi nghe xong mệnh lệnh của Đại tướng, các chiến sĩ như hết mệt mỏi, được tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến ra tiền tuyến, hành quân không kể ngày đêm. Đoàn quân trùng trùng điệp điệp hừng hực khí thế tiến ra mặt trận. Với tinh thần khẩn trương và nghệ thuật thần tốc quyết thắng, đánh thẳng vào mục tiêu đầu não của địch từ hướng Lái Thiêu theo trục đường 13, Trung đoàn 27 của ông đã đập tan tuyến tử thủ bắc Sài Gòn, chiếm cầu Bình Phước, đánh chiếm Bộ tư lệnh Thiết giáp ngụy ở Gò Vấp và các mục tiêu khác, góp phần cùng quân và dân giải phóng Sài Gòn... Có thể nói, chiến thắng ấy ngoài tinh thần chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ, còn có công lao rất lớn của Đại tướng khi kịp thời chỉ huy toàn quân tiến vào mặt trận.

Sau này, khi đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã lùi xa, ông vẫn thường xuyên đến thăm nhà Đại tướng. Trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, ông vẫn được người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam nắm tay, chân tình dặn dò phải thường xuyên quan tâm đến đời sống của anh em cấp dưới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao.


Bản thân Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cũng học hỏi được nhiều điều từ nghệ thuật quân sự và tài chỉ huy thiên tài của Đại tướng. Ông kể, nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2007, như thông lệ, năm nào ông cũng dẫn đoàn Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đến thăm, chúc tết Đại tướng. Đại tướng dặn nên đến vào ngày 29 để có thời gian trò chuyện. Khi ông dẫn đoàn vào, đang mặc quần áo thường phục, Đại tướng bảo mọi người chờ để Người mặc quân phục. Dù tiếp cấp dưới, Đại tướng cũng rất trang trọng và chính quy. Khi chúc tết Đại tướng xong, Đại tướng lấy một tấm bản đồ và một tờ giấy lớn đặt lên bàn. Đại tướng nói về ý định chiến lược trong chiến dịch năm 1972 ở Quảng Trị. Đại tướng nói những điều rất hệ trọng trong chiến lược, chiến thuật và nghệ thuật cách đánh mang đến thắng lợi toàn chiến dịch: “Đồng chí ở vị trí chiến lược của Bộ Quốc phòng cần phải biết rõ những vấn đề này để rút ra những bài học kinh nghiệm cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, hạn chế thương vong thấp nhất cho cán bộ, chiến sĩ để giành thắng lợi…”. Đó là một buổi gặp gỡ sâu sắc nhất trong cuộc đời Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, truyền cho ông không chỉ lý trí mà còn là những kinh nghiệm quý báu của một vị tướng tài,  tâm cao , một nhân cách lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ký ức về Đại tướng nhân hậu, luôn quan tâm, chăm lo đến cán bộ, chiến sĩ vẫn để lại hình ảnh đẹp trong lòng Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. Vào tháng 12 năm 1999, khi ông đang là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, một trận lụt “Đại hồng thủy” xảy ra ở miền Trung. Đường bộ bị lũ chia cắt. Đường không gió lớn không đi được. Ông cùng với đại diện của Bộ tư lệnh Quân khu 5, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đi trên con tàu Đại Lãnh vào Quảng Ngãi cứu giúp đồng bào. Vì bão to gió lớn, con tàu bị trôi ra biển, mất liên lạc với đất liền nhiều giờ. Khi được cứu hộ vào bãi biển Dung Quất, ông được các sĩ quan ở Cục Tác chiến thông báo: Trong lúc bị bão cuốn ngoài biển, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất lo lắng, liên tục gọi điện vào Bộ Quốc phòng nắm tình hình, hỏi về con tàu chở đoàn bị nạn. Khi vào bờ, ông đã nối liên lạc ngay, báo cáo tình hình với Đại tướng. Khi ấy, Đại tướng mới yên tâm. Tối hôm ấy, khi nhìn thấy ông đã trả lời phỏng vấn trực tiếp trên Chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam, vẫn trong tình trạng ngập nửa người dưới nước, Đại tướng theo dõi lắng nghe và tỏ ra rất hài lòng.

Không chỉ được nhân dân trong nước ngưỡng mộ, kính trọng, mà ngay cả nhân dân thế giới khi có dịp tiếp xúc với Đại tướng cũng không thể giấu nổi sự thán phục của mình. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại: Tháng 5 năm 2004, ông được Đảng ủy Quân sự Trung ương, nay là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phân công tháp tùng và cùng Đại tướng chủ trì hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Hội nghị có 150 đoàn khách quốc tế tới dự. Đại tướng nói bằng tiếng Pháp và tiếng Nga. Các bài tham luận tại hội nghị đều ca ngợi Đại tướng, ca ngợi Quân đội nhân dân Việt Nam, ca ngợi nghệ thuật chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Điện Biên Phủ, không chỉ là bài học cho Việt Nam mà cho cả nhân loại. Kết thúc hội nghị, các đoàn vây quanh Đại tướng để chụp ảnh lưu niệm. Rất nhiều người đã hô vang: “Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp!”.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đại tướng nhắc đến, phải thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, vì nước quên thân, vì dân phục vụ; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Cũng theo ông, thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đánh giặc bằng mưu kế, thế trận, bằng sự mưu lược nghệ thuật quân sự . Trên hết, Đại tướng có lòng nhân ái, vị tha cao cả, biết đau từng nỗi đau của cán bộ, chiến sĩ, hết mực thương yêu người lính; trong mọi trận đánh, Đại tướng luôn chủ trương phải giảm thương vong ở mức thấp nhất.

“Với tài năng, đức độ, sự công hiến suốt đời cho Đảng, cho Tổ quốc, nhan dân, Đại tướng mất đi để lại niềm thương tiếc cho các thế hệ người Việt Nam, cả kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài, cho nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đại tướng chính là vĩ nhân của thời đại!”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.



NGUYỄN THẢO/Báo QĐND


.