Sổ vàng ở Hành Minh

09:08, 24/08/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sổ vàng ra đời với mục đích duy nhất là lưu lại công lao đóng góp của bà con nhân dân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.  Qua hai năm thực hiện, danh sách “người tốt, việc tốt” ngày một dài hơn đã cho thấy người dân nhận thức rõ về vai trò chủ thể của mình trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Có dịp trở lại xã Hành Minh (Nghĩa Hành) tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi của miền quê này. Ấn tượng đầu tiên đối với tôi là hệ thống đường giao thông nông thôn hàng chục cây số được bê tông, thảm  nhựa phẳng lì, thẳng tắp, nối từ UBND xã tỏa đi các thôn Tình Phú Nam, Tình Phú Bắc, Long Bàn Bắc, Long Bàn Nam và bao trọn các xứ đồng đã được dồn điền, đổi thửa. Bí thư Đảng ủy xã Lê Duy Nghĩa chia sẻ: Là cấp cơ sở gần dân, sát dân nhất, chúng tôi thấm nhuần lời dạy của Bác: “việc gì có lợi cho dân thì khó mấy cũng nên làm”, nên mọi việc chúng tôi làm dù nhỏ cũng có sự đồng thuận từ nhân dân. Gần đây nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới. Với phương châm: Nhà nước và nhân dân cùng làm, việc gì dễ làm trước.'

 

 Đã có gần 200 hộ dân được ghi nhận trong sổ vàng.
Đã có gần 200 hộ dân được ghi nhận trong sổ vàng.


Trong đó có việc quy hoạch, mở rộng hệ thống đường giao thông nông thôn (đường ra đồng, đường liên xã) được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao. Đến nay, ở Hành Minh hầu như thôn nào cũng có vài chục hộ tự nguyện hiến đất (từ vài chục mét đến hàng trăm mét) để mở rộng đường thôn, xóm mà không nhận một đồng đền bù nào từ phía Nhà nước. Họ còn đóng góp lên đến hàng triệu đồng/nhân khẩu và nhiều ngày công trực tiếp tham gia làm đường. Bởi thế, nhiều người gọi đó là con đường “nông thôn mới” hay con đường “ý Đảng, lòng dân”. Xuất phát từ việc người dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào này nên chúng tôi xem đây là việc làm rất đáng trân trọng. Và cũng từ đó “ai, ở thôn nào, hiến bao nhiêu đất, cây cối, hoa màu...” đều được cán bộ địa chính ghi chép lại trong sổ vàng để xã lưu lại và có dịp tôn vinh, hoặc đề nghị cấp trên biểu dương khen thưởng nhằm cổ vũ phong trào.

Lật giở từng trang sổ vàng, sáng lên tên những người nông dân chân lấm tay bùn, người cao tuổi, những gia đình chính sách, hộ nghèo. Ông Nguyễn Thượng Hải (thôn Tình Phú Nam) - người được UBND huyện Nghĩa Hành tặng giấy khen cách đây hơn một năm “vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới” bộc bạch: “Sống là phải biết cho đi, có mất đi đâu mà sợ, giờ đường rộng tới 6m, nối liền thôn này qua thôn kia, đường bê tông thông suốt đẹp quá còn gì”.

Dù kinh tế gia đình chẳng khá giả gì, đứa con út đi học từ nguồn vốn vay dành cho HS-SV nhưng khi được vận động, gia đình ông Hải không ngần ngại tình nguyện hiến trên 630m2 đất cùng nhiều cây cối hoa màu trong vườn, trị giá gần 30 triệu đồng. Hay như chị Nguyễn Thị Năm cùng thôn với ông Hải, mặc dù chăm chồng bị tai biến và nuôi 3 con đang tuổi ăn học nhưng vẫn không đòi đền bù, hỗ trợ khi hiến gần 150m chiều dài và hơn 1m bề ngang đất để mở rộng đường. Rồi đến gia đình cụ ông Bùi Đình Hy (thôn Long Bàn Nam) dù đã tuổi cao nhưng vẫn hưởng ứng phong trào làm đường bê tông bằng việc hiến  gần 230m2 đất để xã hoàn thiện tiêu chí đường giao thông nông thôn.

Không chỉ ông Hải, chị Năm, cụ ông Bùi Đình Hy mà hầu hết các hộ dân được lưu trong sổ vàng đều có chung một suy nghĩ, mình hy sinh một chút lợi ích của gia đình để cả làng có được con đường thẳng, đẹp, đi lại thuận lợi, mà nhà mình cũng đẹp hơn trước nhiều.

Đến thời điểm này, sổ vàng đã ghi nhận gần 200 hộ trên địa bàn 4 thôn tham gia góp công, góp của với 10.029m2 đất (trong đó đất ở là 5.200m2 , đất sản xuất 4.829m2), 130m2 tường rào cổng ngõ, di dời 5 ngôi mộ, chặt đốn hàng ngàn cây cối để mở rộng 10 tuyến đường giao thông với chiều dài 5.420m; huy động được hơn 1.300 công lao động. Tổng giá trị thành tiền hơn 970 triệu đồng. Chính nhờ sự chung tay góp sức của người dân, đến nay xã Hành Minh đã thực hiện đạt 9/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong năm 2013 này, xã sẽ tiếp tục hoàn thiện 4 tiêu chí tiếp theo đó là, cơ cấu lao động, tổ chức sản xuất, giáo dục và môi trường. Dẫu biết rằng đời sống của rất nhiều hộ dân còn lắm lo âu, vất vả, nhưng tin rằng với sự đồng lòng của người dân, chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã Hành Minh sẽ “cán đích” vào năm 2014 như mục tiêu đề ra.


Bài, ảnh: Thanh Thuận


 


.