CM Tháng Tám năm 1945 ở Quảng Ngãi: Mẫu mực của khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa

06:08, 31/08/2013
.

* Võ Văn Hào


(Báo Quảng Ngãi)- Gần 7 thập kỷ đã trôi qua, thời gian càng lùi xa thì những sự kiện đã diễn ra trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Quảng Ngãi càng được thực tiễn lịch sử trải nghiệm một cách đầy đủ, rõ ràng và chính xác giá trị đích thực của nó. Khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh ta là một mẫu mực, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy sáng tạo của tập thể Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh Quảng Ngãi.

Tháng 6.1945, ngay sau khi nhận được Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tỉnh ủy đã họp và xác định kế hoạch khởi nghĩa. Trong đó, điểm rất cơ bản, đáng chú ý nhất là Tỉnh ủy xác định: Quân Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô...) trừ Liên Xô, chúng đều là kẻ cướp, đều không thể tin cậy được; khi cần tiếp xúc với quân Đồng minh chỉ nêu khẩu hiệu hợp tác đánh Nhật, không liên minh với chúng, vì liên minh ta sẽ bị chi phối trở thành tay sai thực hiện mưu đồ cướp nước ta của chúng; lực lượng khởi nghĩa là quần chúng vũ trang cùng các binh lính trong hàng ngũ địch, uy hiếp buộc Nhật đầu hàng, tước vũ khí Nhật…

 

 Thành phố Quảng Ngãi bên dòng sông Trà.                                                                                                                                                                                      Ảnh: ĐĂNG LÂM
Thành phố Quảng Ngãi bên dòng sông Trà. Ảnh: ĐĂNG LÂM

Kế hoạch cũng dự kiến điều kiện khởi nghĩa, tức thời cơ cách mạng là: Nhận được chỉ thị của Trung ương; quân Đồng minh đổ bộ lên Quảng Ngãi và các tỉnh lân cận để đánh Nhật; các tỉnh bạn nổi lên khởi nghĩa; nhân dân Nhật khởi nghĩa hoặc phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. Rõ ràng, một cuộc khởi nghĩa diễn ra thành công không phải dựa vào một âm mưu, một thủ đoạn chính trị mà phải dựa trên sự phân tích, nhận định, đánh giá đúng tình hình, dựa vào cao trào cách mạng của nhân dân và quyết định nhất là dựa vào một chuyển hướng lịch sử nhất định, tức là thời cơ cách mạng.
 
Đối với Quảng Ngãi, thời cơ bắt đầu từ khi Hồng quân Liên Xô đánh tan đội quân Quan Đông của Nhật, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 13.8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật theo Hiệp định Pôt-xđam (ngày 5.9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước hoặc sau khoảng thời gian đó đều khó thành công và sẽ tổn thất nhiều xương máu.

Quả nhiên, lịch sử diễn ra đúng như nhận định của Tỉnh ủy. Không chờ nhận được chỉ thị của Trung ương, không chờ quân Đồng minh đổ bộ lên đất Quảng Ngãi, không chờ các tỉnh bạn nổi lên khởi nghĩa, chỉ qua đài địch nghe tin Nhật hoàng đầu hàng, lập tức Ban Thường vụ Tỉnh ủy cấp tốc ra hai Chỉ thị số 8 và số 9, lúc 3 giờ chiều ngày 14.8.1945 phát động vũ trang toàn dân vùng lên khởi nghĩa.
 
Từ Thi Phổ Nhất (Mộ Đức), cơn bão táp cách mạng bùng lên và lan nhanh đến tất cả các vùng miền trong tỉnh và chỉ trong chốc lát nó đã quét sạch sành sanh chính quyền tay sai của thực dân Pháp, phát xít Nhật và triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
 
Và chỉ trong 3 ngày, từ chiều 14.8 đến tối 16.8.1945, xiềng xích nô lệ hàng trăm năm của thực dân Pháp và chế độ quân chủ chuyên chế hàng ngàn năm trên quê hương Quảng Ngãi bị đập tan, chính quyền cách mạng của nhân dân, một chính quyền tiến bộ nhất trong lịch sử nước ta và cũng là tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ được lập ra. Tỉnh Quảng Ngãi trở thành một trong những địa phương diễn ra cuộc tổng khởi nghĩa sớm nhất trong cả nước.

Tuy nhiên, khác với nhiều địa phương khác, Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi diễn ra sớm, nhưng thành công dứt điểm lại có bước quanh co, phức tạp. Bởi nhiều nơi trong tỉnh, quân Nhật chưa nhận được lệnh đầu hàng nên tiếp tục kháng cự rất quyết liệt. Ở đồn Thương Chánh, Sa Huỳnh chỉ có 2 tên Nhật cố thủ trong đồn, ta phải hy sinh 2 du kích cứu quốc.
 
Ở đầu cầu phía bắc Châu Ổ (Bình Sơn), một toán lính Nhật chốt giữ, du kích Ba Tơ dùng thuyền xuôi sông Trà Bồng áp sát đồn, bị chúng phát hiện bắn chìm thuyền và 4 đồng chí hy sinh. Ở Xuân Phổ, Nghĩa Kỳ (Tư Nghĩa), quân Nhật hung hăng đánh vào cơ quan chỉ đạo khởi nghĩa, buộc ta phải di chuyển địa điểm...

Đặc biệt, trong thành Quảng Ngãi trong những ngày khởi nghĩa còn cả một tiểu đoàn quân Nhật, với hỏa lực mạnh, buộc lực lượng khởi nghĩa phải tiến hành điều đình nhằm tránh đổ máu cho cả hai phía. Tuy vậy, với bản chất hung hăng, ngạo mạn của quân phát xít, chẳng những chúng không đầu hàng mà còn bắt giữ cả trưởng đoàn điều đình của ta làm con tin.
 
Không nản chí và rất khôn khéo, lực lượng khởi nghĩa kiên trì đối thoại. Cuối cùng, ngày 25.8.1945, nghĩa là sau 7 ngày chính quyền tay sai của thực dân, phong kiến sụp đổ, Việt Minh Quảng Ngãi và quân đội Nhật mới ký với nhau bản giao ước, mở đường cho đội quân phát xít hung bạo rút khỏi Quảng Ngãi trong vòng trật tự.

Trong những ngày sục sôi khí thế Cách mạng Tháng Tám, ngoài việc tập trung đè bẹp sự kháng cự của phát xít Nhật và tay sai, thành lập chính quyền cách mạng, Việt Minh Quảng Ngãi còn chặn đứng mưu toan lập chính quyền phản cách mạng của Ngô Đình Diệm, bắt giữ Diệm, Hồ Tá Khanh, Lê Huy Thược, là những “chính khách” trong chính phủ Trần Trọng Kim.

Rõ ràng là, nếu không có những bộ óc mẫn tiệp của Việt Minh tỉnh, không dự lường, phán đoán được khả năng diễn biến của tình thế cách mạng thì không thể có một cuộc khởi nghĩa hoàn hảo, mẫu mực, ít đổ máu như Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Quảng Ngãi được.
Năm tháng sẽ qua đi.

Lịch sử ít có khi lặp lại. Nhưng tinh thần Cách mạng Tháng Tám, mẫu mực của khoa học và nghệ thuật khởi nghĩa trong những ngày cách mạng sục sôi của 68 năm về trước thì mãi mãi bất diệt. Ở đó, những người con của quê hương Núi Ấn Sông Trà "xông lên đoạt trời" không chỉ bằng lòng dũng cảm mà trên tất cả là óc thông minh, sáng tạo, biết làm chủ tình thế, biết nắm bắt thời cơ, biết tiến và biết "thoái"... để đạt được mục đích cuối cùng là giành được chính quyền. Tinh thần đó, khí phách đó có được tỏa sáng trong thời kỳ mới? Đó mới là điều đáng suy ngẫm, trăn trở được rút ra nhân kỷ niệm 68 năm ngày diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại này./.

.