Mẹ VNAH Phan Thị Loan: Tấm gương cao cả về đức hy sinh

06:07, 26/07/2013
.

(QNg)- Mẹ VNAH Phan Thị Loan (SN1909) ở thôn Chánh Hội Tây, xã Bình Thanh Đông (Bình Sơn) là một trong số những người đầu tiên được phong danh hiệu Mẹ VNAH  năm 1994. Giờ đây sức khỏe của Mẹ đã suy giảm rất nhiều, nhưng vẫn còn đó đôi mắt tinh anh, giọng nói rành mạch, trí óc minh mẫn. Dường như cái tuổi trăm năm vẫn chưa ngự trị nơi Mẹ.
 
Trong số mười người con của Mẹ thì có đến 6 người đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chồng mẹ cũng vĩnh viễn ra đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Gia đình Mẹ cũng là cơ sở nuôi giấu cán bộ. Bản thân Mẹ là một cán bộ phụ nữ gan góc, kiên cường không kém gì những người lính ngoài chiến trường. Nhiều lần bị địch bắt, tù đày cũng không làm Mẹ chùn bước,  tiếp tục cống hiến cho đến ngày cách mạng thành công.

 

 Mẹ VNAH Phan Thị Loan với người con trai út Nguyễn Thành Sự.
Mẹ VNAH Phan Thị Loan với người con trai út Nguyễn Thành Sự.



Năm 2002, Mẹ Loan bị tai biến, khiến đôi chân yếu dần và không thể đi lại bình thường. Những năm tháng sau đó, con cháu đưa mẹ về chăm sóc, phụng dưỡng tại chính nơi mấy chục năm về trước chồng và các con mẹ đã kiên cường chiến đấu và nằm lại. Hiện giờ mẹ sống trong vòng tay yêu thương của người con trai út và cô con gái thứ tám của mình.  


Trong câu chuyện kể về những ngày tháng kháng chiến gian khổ những năm 60 của thế kỷ trước, bà Nguyễn Thị Hồng Lý (60 tuổi) – con gái Mẹ Loan, cũng là một thương binh, nhớ lại: Những ngày ấy, cùng với xóm làng và nhân dân địa phương, những người con của mẹ lần lượt cầm súng ra chiến trường và lần lượt hy sinh.  “Mẹ tôi nói, chiến tranh là vậy, có khóc thương thì người cũng đã hy sinh rồi. Và tôi chỉ biết động viên Mẹ giờ là lúc cần kiên cường, mạnh mẽ lên…” – bà Nguyễn Thị Hồng Lý hồi tưởng về khoảng thời gian tang thương, mất mát của gia đình mình.

Nhắc lại sự mất mát, hy sinh của chồng và các con, mẹ Loan giờ như đã khô cạn nước mắt. Sự tiếc thương của Mẹ dường như đã hóa thành những chiến công, trường tồn cùng lịch sử của xóm làng, quê hương, của dân tộc. Trong dòng hoài niệm về những ngày tiễn con ra chiến trường, Mẹ Loan khảng khái, kể:  Ngày ấy, Mẹ chỉ biết an ủi, động viên con cái lên đường đi chiến đấu, để rồi các con mãi mãi không về.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước có chủ trương đi kinh tế mới, Mẹ lại một lần nữa tiên phong khuyên các con lên Tây Nguyên làm ăn. “Mẹ bảo rằng chiến tranh gian khổ còn chịu được, bây giờ hòa bình rồi người ta điều động thì cứ đi. Lên đó lo mà làm ăn, có gì mà sợ” – chị Lý nhớ lại. Thế là, chị Lý cùng chồng khăn gói lên đường, tham gia vào công cuộc mở mang kinh tế, tạo dựng cuộc sống mới nơi vùng cao tỉnh Đắc Lắc.

Mẹ Loan, chia sẻ:  "Giờ đây, Mẹ không cần một thứ vật chất nào hết. Cái Mẹ cần là sự quan tâm, sự thăm hỏi động viên mà thôi". Tôi biết, sự mong mỏi ấy không chỉ riêng Mẹ Loan mà là của tất cả các Mẹ VNAH. Thế hệ trẻ hôm nay hãy coi đó là một việc nên làm, một nghĩa cử thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn từ ngàn đời nay của dân tộc ta.


Bài, ảnh: Nguyễn Tùng


.