“Lãng phí thấy rõ, sao không xử lý?”

02:07, 12/07/2013
.

Phát biểu tại phiên thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng, ý kiến còn khác nhau của dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), sáng 11/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật lần này phải thể hiện được quyết tâm và tính khả thi khi đi vào cuộc sống. Bởi lẽ, thực tế “bao nhiêu công trình lãng phí lộ ra đấy mà chẳng thấy ai bị xử lý, nhìn thấy đấy mà không có ai chịu trách nhiệm”.


“Đất bỏ hoang là lãng phí, chưa kể là có thể có tham nhũng. Tiết kiệm và phòng chống tham nhũng gắn với nhau. Bao nhiêu phức tạp, lộn xộn, lãng phí nhưng chẳng thấy xử lý. Việc sửa luật lần này có khắc phục được không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Ngoài câu chuyện gây lãng phí tài chính công, việc lãng phí trong nhân dân cũng là vấn đề mà Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm trong quá trình thiết kế điều luật. Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, lãng phí mang tính chất xã hội thì Nhà nước cũng có trách nhiệm.

“Câu chuyện lãng phí ai nhìn cũng kêu lên, đều sót ruột. Vậy Luật này ra đời thì xử lý sẽ thế nào, ngăn chặn hay làm đỡ đi tình trạng đó không? Nếu chưa nói lên được điều đó thì chưa đáng thông qua”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.
 

 Phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội


Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng cũng băn khoăn: “Lãng phí còn hơn cả tham nhũng. Các báo cáo đều nêu lên, báo chí phản ánh mà không giải quyết là sao? Không phát hiện được hay có chuyện phát hiện mà không xử lý?”.

Tại phiên làm việc ngày 10/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đã nhấn mạnh, khi luật này được ban hành thì người dân mong muốn phải đảm bảo tiết kiệm, đơn vị nào không thực hiện để xảy ra lãng phí phải bị xử lý.

Phát hiện thì phải xử lý, quy trách nhiệm

Về ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của người phê duyệt, ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách gây lãng phí, Tờ trình tiếp thu, giải trình của Chính phủ cho rằng, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của nhà nước được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, phải lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra và tùy theo hình thức văn bản pháp luật phải trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thảo luận thông qua ... Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung trái pháp luật, không đảm bảo chất lượng, không khả thi thì việc xử lý đã có quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định của Chính phủ.

Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tăng tính cụ thể, Báo cáo cho biết, khắc phục nhược điểm của Luật hiện hành trong quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Dự án Luật sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính (Điều 61) là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thống nhất triển khai hướng dẫn các quy định của Luật còn trách nhiệm của tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được tập trung quy định tại một điều để tránh tình trạng vừa thừa, vừa thiếu./.



Ngọc Thành/VOV online


.